Tỷ giá biến động: Doanh nghiệp mừng ít, lo nhiều
Doanh nghiệp nhập khẩu âu lo khi tỷ giá tăng |
Ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với đô la Mỹ (USD) áp dụng là 22.118 đồng, giảm 6 đồng so với những phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, Eximbank… cũng được niêm yết từ 22.630- 22.680 VND/USD mua vào và 22.730 - 22.780 VND/USD bán ra.
Mặc dù tỷ giá trong hệ thống giao dịch chính thức của các ngân hàng khá ổn định nhưng diễn biến giá USD trên thị trường tự do trong những ngày gần đây dao động lên khoảng 23.200 VND/USD mua vào và 23.450 VND/USD bán ra (giá 9h30 ngày 7/12).
Giá USD tăng khiến các DN nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu sản xuất thấp thỏm lo lắng. Giám đốc một DN kinh doanh điện máy tại Đồng Nai cho biết, mặt hàng điện máy nhập khẩu trong thời gian gần đây đã được các cửa hàng, đại lý điều chỉnh tăng giá. Đặc biệt, mặt hàng máy lạnh do tiêu thụ nhanh, hàng phải nhập khẩu thường xuyên nên giá USD tăng dẫn đến giá mặt hàng này cũng tăng theo. Các mặt hàng điện máy khác hiện tiêu thụ khá chậm khiến DN này lo lắng việc tăng giá bán sẽ càng khiến kinh doanh khó khăn hơn.
Một DN sản xuất thức ăn chăn nuôi tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, do hầu hết nguyên liệu dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Vì vậy, giá USD chỉ cần biến động trong vòng 1 tháng là phải điều chỉnh giá sản phẩm tăng tương ứng để bù lại. Tương tự, với lĩnh vực sản xuất sản phẩm gỗ, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam - cho hay, cuối năm là thời điểm các DN nhập nguyên liệu để sản xuất hàng các đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó cũng như các đơn hàng cho đầu năm 2017. Dự kiến toàn ngành sẽ phải nhập khoảng 600 triệu USD nguyên liệu từ nay đến hết năm. Như vậy, việc biến động tỷ giá theo chiều hướng tăng như hiện nay sẽ khiến cho DN gỗ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì chênh lệch tỷ giá giữa USD/VND.
Để tránh rủi ro tỷ giá, một số DN chọn hình thức mua hợp đồng ngoại tệ. Việc mua hợp đồng kỳ hạn ngoại tệ có thể khiến DN tăng chi phí nhưng bảo đảm được rủi ro tỷ giá. Chẳng hạn như hợp đồng mua ngoại tệ 3 tháng cuối năm với giá cố định là 22.500 VND/USD. Như vậy, tháng 11, 12 nếu giá có tăng hay giảm thì ngân hàng cũng chỉ bán đúng giá đó, DN sẽ tránh được những rủi ro từ giá USD biến động.
Với các DN xuất khẩu, ông Đỗ Duy Thái – Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - cho hay, khoảng 30% sản lượng thép của Thép Việt được xuất khẩu qua các nước trong khu vực ASEAN nhưng để sản xuất, công ty vẫn phải nhập một số nguyên liệu nhất định. Do vậy, việc tỷ giá tăng công ty chỉ được hưởng lợi một phần nhưng đây cũng được xem là tín hiệu vui cho DN trong bối cảnh sản xuất kinh doanh vốn “lợi ít, thiệt nhiều”.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Giám đốc Công ty thủy sản Sông Tiền (Sotico) - chia sẻ, với mức tăng như hiện nay, mỗi kg hàng thủy sản xuất đi sẽ được lợi thêm hơn 100 đồng/USD. Thông thường, vào dịp cuối năm, Sotico xuất các mặt hàng thủy sản trị giá vài triệu USD. Do đó, sẽ được hưởng lợi chênh lệch khá nhiều, giúp DN bù đắp vào các chi phí phát sinh dịp cuối năm. |