Phó Thống đốc NHNN: Không điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1% |
Tỷ giá biến động mạnh trong những ngày gần đây. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Trong hai tháng trở lại đây, tỷ giá đã trở thành 'điểm nóng' nhất trên thị trường tiền tệ khi bắt đầu bật tăng mạnh vào tháng Tám và kéo dài đến nay. Điều này đã gây tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp nhập khẩu, khiến họ phải "gồng mình" trước việc gia tăng thêm chi phí sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Tính đến phiên giao dịch ngày 22/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.060 VND/USD. So với phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2023 (3/1), tỷ giá trung tâm đã tăng 448 đồng, còn nếu so với mức thấp nhất trong năm (ngày 15/4 - 23.588 đồng/USD),tỷ giá trung tâm đã tăng 472 đồng.
Tương tự, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã bật tăng mạnh và vượt 24.500 đồng/USD, tăng khoảng 50 đồng so với phiên trước và tăng 515 đồng so với phiên đầu năm.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ưu tiên mục tiêu hạ lãi suất cho vay thì áp lực lên tỷ giá có xu hướng dồn tích. Như vậy, khả năng đồng VND giảm giá so với USD sẽ có thể tiếp diễn trong các tháng cuối năm.
Chỉ tính riêng tháng 8/2023, VND giảm giá 1,6% so với đồng USD đưa mức giảm giá từ đầu năm tới nay lên 3%.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng so sánh với diễn biến các đồng tiền khác trong khu vực, mức mất giá của VND so với USD không quá lớn. VND hiện vẫn đang mạnh hơn so với khá nhiều đồng tiền trong khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị hàng xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiều hơn. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Dương Văn Bình, Phó Giám đốc doanh nghiệp giày da tại Hải Phòng, cho biết tác động tăng tỷ giá trong điều kiện bình thường sẽ giúp ích cho doanh nghiệp, nhưng bối cảnh hiện nay là không có lợi.
Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
"Để giữ khách hàng, doanh nghiệp cố gắng giảm chi phí để duy trì mức giá bán thấp nhất cho đối tác. Còn ở chiều nhập khẩu, nếu tỷ giá tăng sẽ khó tiếp cận được nguyên liệu nhập giá rẻ. Trong khi đó, lạm phát do chi phí đẩy ngày càng tăng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn," ông Bình nói.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Hùng - phụ trách tài chính kế toán của Công ty cổ phần Cơ khí Đông Anh, cũng cho hay quy mô doanh thu hàng năm của công ty đạt trên 1.000 tỷ đồng. "Vừa qua, mặc dù công ty đã nhận được hỗ trợ của ngân hàng như việc giảm lãi suất, song đang phải phải đối mặt với khó khăn do nhu cầu của thị trường giảm kéo theo doanh thu giảm, tồn kho tăng, đọng vốn, chi phí tài chính tăng cao, tỷ giá biến động lớn. Ngoài ra, "sức khỏe" của các doanh nghiệp xung quanh suy yếu cũng dẫn tới rủi ro nợ phải thu khó đòi của công ty tăng," ông Hùng nói.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng mỗi khi lãi suất giảm thì tỷ giá lại tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan điều hành cần có những biện pháp phù hợp để ổn định tỷ giá.
Sẽ điều hành tỷ giá hài hòa, ổn định
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc tăng tỷ giá trong bối cảnh hiện nay sẽ khiến chi phí nhập khẩu nhiều loại linh kiện, hàng hóa của Việt Nam tăng cao. Điều này gây khó khăn cho đà phục hồi, phát triển. Chưa kể, nguy cơ xuất khẩu lạm phát của các nước khác sang Việt Nam là hiện hữu nếu chúng ta không có giải pháp chống đỡ, căn cơ.
Chia sẻ về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tuy nhiên sản xuất trong nước của chúng ta cũng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu/GDP là gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng thì các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn.
"Hiện Ngân hàng Nhà nước đnag theo dõi rất sát tỷ giá hàng ngày, hàng giờ để có thể điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá một cách hài hòa, ổn định,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Doanh nghiệp nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều khi tỷ giá tăng. (Ảnh: PVVietnam+) |
Để hạ nhiệt tỷ giá, chuyên gia Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết nhà điều hành có thể sử dụng ba biện pháp là tăng lãi suất, bán USD hoặc hút tiền đồng về.
Đơn cử như trong năm 2022, vào giai đoạn tỷ giá tăng cao liên tục, Ngân hàng Nhà nước đã có những biện pháp như hạ tỷ giá trung tâm, sau đó phát hành giấy tờ có giá ngắn hạn để hút tiền về.
Theo chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, công cụ tăng lãi suất sẽ không được sử dụng do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong xu hướng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Nhà điều hành cũng không bán USD ra do muốn bảo toàn dự trữ ngoại hối.
"Vì thế trong bối cảnh hiện tại, hút bớt tiền đồng thông qua kênh tín phiếu được ưu tiên lựa chọn," chuyên gia Yuanta Việt Nam nói.
Điều này đã được minh chứng khi sau khoảng 6 tháng không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở, chiều 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã hút gần 10.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống thông qua kênh tín phiếu.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo cần theo dõi sát tình hình từ nay đến cuối năm. Khi không đủ dư địa về dự trữ ngoại hối, nhà điều hành có thể phải dùng đến công cụ lãi suất để kiểm soát tỷ giá, khi đó nguy cơ tăng lãi suất có thể xảy ra./.