Chủ nhật 22/12/2024 21:45

Từ vụ 'cô đồng bát nước': Cần tỉnh táo trước chiêu trò mê tín dị đoan thời 4.0

Thời gian qua, nhiều kẻ xấu đội lốt hoạt động tâm linh, dùng chiêu trò mê tín dị đoan trên mạng xã hội với mục đích lừa đảo, trục lợi bất chính.

Lợi dụng tâm linh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt clip về một cô gái tên Đinh Quỳnh P. (địa chỉ: 183 Chùa Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội) người hay tự gọi là “cô đồng bát nước”. Người này hành nghề cúng bái, xem bói, hầu đồng… có dấu hiệu biến tướng, tuyên truyền mê tín dị đoan.

Theo tìm hiểu, mọi người muốn đến xem bói ở cô đồng này thì phải đặt lịch trước qua fanpage Facebook hoặc nhóm cộng đồng Zalo. Khi đặt được lịch hẹn thì người xem cần mang theo chai nước 1,5 lít, cô đồng sẽ đổ nước từ chai vào bát, khua 1 nén hương bên trên và sau đó bắt đầu phán về gia đạo, cuộc sống, âm phần, dương phần...

Một mẫu chung khi đến với “cô đồng bát nước” thì đều được phán: "Bạn có cung số được nhà ngài chấm chọn để làm thầy, có muốn trốn cũng không được, lên trời bị kéo xuống, xuống đất bị kéo lên". Tiếp đến, cô đồng này dẫn dụ người xem trình đồng, mở phú với chi phí hàng trăm triệu đồng. Nhiều người đã mất số tiền rất lớn với “cô đồng bát nước” bởi những chiêu trò mê tín, dị đoan này.

Công an quận Hai Bà Trưng đã triệu tập "cô đồng bát nước" lên làm việc. Trước đó, vào cuối tháng 5/2024, người này cũng đã từng bị Công an quận Hai Bà Trưng xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan. Công an quận Hai Bà Trưng cũng tiếp tục ra quyết định xử phạt hành chính lần 2 đồng thời tiếp nhận đơn tố cáo của các bị hại để làm rõ hành vi của cô đồng này.

Đinh Quỳnh P. hay còn gọi là “cô đồng bát nước” trên mạng xã hội TikTok - (Ảnh chụp màn hình).

Trước đó, một trường hợp khác là vụ việc của “cô đồng bổ cau” tên thật Trương Thị Hương (sinh năm 1986, tại thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Người này cũng hành nghề xem bói với câu nói quen thuộc trên các buổi livestream là "đúng nhận, sai cãi".

Lợi dụng sự mê tín của người dân, Trương Thị Hương đã nhiều lần xem bói và đưa ra những thông tin ma mị, mê tín, dị đoan, mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Có rất nhiều bị hại sau đó đã làm đơn tố Trương Thị Hương. Kết quả, “cô đồng bổ cau” này bị cơ quan pháp luật “sờ gáy” với bản án 7 năm 3 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hay gần đây, một vụ việc rúng động khi Công an quận 5 (TP. Hồ Chí Minh) bắt giữ Phan Thị Thu Trang để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phan Thị Thu Trang được biết đến với biệt danh “cô đồng” Phan Thu Trang. Người này sử dụng nhiều tài khoản Facebook như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang… đăng tải bài viết nhằm thu hút người có nhu cầu xem bói. Thông qua những nội dung này, nhiều người tin tưởng và đặt lịch hẹn với Thu Trang để xem bói, mua hàng.

Trang thường bịa đặt ra những câu chuyện tâm linh, đầy màu sắc mê tín dị đoan nhằm thao túng tâm lý khách hàng. Trang bịa ra các chuyện khách bị người khác hãm hại, yểm bùa; có người âm theo phá, vợ chồng không hợp mạng, sắp tới gia đình có người chết… mục đích để đe doạ, thao túng tâm lý người xem. Đến nay, Công an quận 5 xác định có hơn 40 người là nạn nhân, với số tiền bị Trang lừa lên đến 28 tỷ đồng.

Cần bài trừ mạnh mẽ mê tín, dị đoan

Có thể nói, đối với người Á Đông, văn hoá tâm linh là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, người dân thường nhầm lẫn giữa văn hoá tâm linh và mê tín dị đoan.

Đời sống văn hóa tâm linh của người Việt vốn có nội dung, nghi thức phong phú như: Cúng bái, giỗ chạp, thắp hương cúng vào ngày lễ, Tết. Hơn hết, điều cơ bản nhất đối với văn hóa tâm linh của người Việt là khuyến khích mọi người sống khoan dung, hướng thiện.

Tuy nhiên, trái lại với điều đó, mê tín dị đoan lại là những việc làm mang tính thần bí, khiến con người ta đặt niềm tin mù quáng vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không có thật, đi ngược với quy luật tự nhiên, không có căn cứ khoa học và không thể chứng minh được. Điều này gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, tiền bạc, thời gian, tính mạng cho cả cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Ngày nay, khoa học ngày càng phát triển, miễn tưởng người dân được nâng cao nhận thức sẽ bớt dần những niềm tin vào sự mê tín, dị đoan, nhưng những hoạt động này càng trở nên biến tướng và phức tạp, đặc biệt trên cộng đồng mạng. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Thứ nhất, một bộ phận người dân có tư tưởng, niềm tin lệch lạc, gặp các chuyện bất lợi trong cuộc sống thường nghĩ đến những việc mang tính mê tín, dị đoan, nhằm cầu lợi và giải trừ cho bản thân, dễ làm “con mồi” cho các đối tượng xấu.

Thứ hai, đứng trước những món lợi khổng lồ từ việc "buôn thần, bán thánh" mang lại, dù biết là hành vi lừa đảo, bị xử phạt nhiều lần nhưng các đối tượng này vẫn hành nghề bất chấp những cảnh báo. Thậm chí, các đối tượng còn ngày càng hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn nhờ có sự lan toả mạnh mẽ từ các kênh mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo, Youtube...

Để xã hội trở nên văn minh, tránh những sự việc đau long, việc bài trừ mê tín dị đoan là một công việc cần thiết hơn bao giờ hết. Để làm được việc này, chúng ta cần tăng cường giáo dục về khoa học và lý luận, giúp người dân hiểu rõ hơn về nguyên lý hoạt động của tự nhiên, tâm lý con người, và phân biệt giữa thực tế và những niềm tin không có cơ sở. Cùng với đó, cần khuyến khích tư duy phản biện, đào tạo kỹ năng tư duy phản biện để mọi người có thể tự hỏi và đánh giá những thông tin mà họ tiếp nhận, từ đó nhận ra những điều vô lý trong các quan niệm mê tín.

Ngoài ra, cần thúc đẩy văn hóa khoa học nhưu tổ chức các buổi hội thảo, diễn đàn về khoa học và công nghệ, khuyến khích nghiên cứu và áp dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống hàng ngày. Thậm chí, cần tạo ra các nhóm cộng đồng để mọi người có thể chia sẻ và thảo luận về những niềm tin, từ đó tìm ra những phương pháp thay thế hợp lý hơn.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với những đối tượng có biểu hiện của việc truyền bá mê tín, dị đoan, mục đích lừa đảo. Ngoài ra, người dân cần có sự lên án mạnh mẽ đối với những hành vi lợi dụng mê tín dị đoan để lừa đảo, đồng thời khuyến khích người dân báo cáo những trường hợp như vậy.

Đặc biệt, mỗi người dân chúng ta cần nâng cao nhận thức của bản thân. Cần phải xác định rõ những chiêu trò biến tướng, mê tín, dị đoan để tránh bị những kẻ xấu lợi dụng, để rồi “tiền mất, tật mang” ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình.

Diệu Linh
Bài viết cùng chủ đề: lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tin cùng chuyên mục

Ngày mai (23/12) sẽ diễn ra Diễn đàn 'Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển'

Trường Đại học Điện lực đề xuất phối hợp với Nhật Bản để phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân

Gia Lai: Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng trăm người dân nghèo

Giải cứu người trong vụ hỏa hoạn tại TP. Hồ Chí Minh: Thêm anh hùng giữa đời thường

Gia Lai: Những món quà hạnh phúc cho người dân vùng biên dịp cuối năm

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

Bộ đội, thanh niên Gia Lai hối hả dọn dẹp vệ sinh, làm đẹp môi trường đón Tết Ất Tỵ 2025

Lửa giận thiêu lý trí, bài học chua cay từ bi kịch cháy quán hát Hà Nội

Cuộc đua taxi bay trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

Gia Lai: Lan tỏa chương trình 'bữa sáng yêu thương' cho học sinh nghèo

Đảng bộ Bộ Công Thương tập huấn nghiệp vụ công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp

Lấy vi phạm để 'chạy truyền thông', Tiktoker Dưỡng Dướng Dường quá ngông!

Thư chúc mừng của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi Cựu chiến binh, Cựu quân nhân ngành Công Thương

Cuộc chiến chống tin giả: Thách thức đối với an ninh mạng

Báo Công Thương đạt tốt về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí

TP. Hồ Chí Minh: Ấm lòng những tô mì 0 đồng giữa trung tâm Quận 1

Bàn về một số vấn đề khi sắp xếp tinh gọn bộ máy: Nhìn từ Đà Nẵng

Chuyện thưởng Tết và góc khuất của nghề freelancer

Nhìn lại 4 “đại án” năm 2024 và tinh thần ‘4 không’ trong chống tham nhũng