Từ câu chuyện ‘đổi giầy’ và khuyến nghị 5 bước chọn ngành nghề phù hợp
Thông tin được đưa ra tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ” do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành Đô và các đơn vị chức ngày 4/5, tại Hà Nội.
Các chuyên gia, diễn giả trực tiếp cung cấp những thông tin mới nhất về công tác tuyển sinh |
Tại Chương trình, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin về những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2024. Cụ thể, thời gian đăng ký từ ngày 10 - 25/7; ngày 12/8 các trường công bố kết quả xét tuyển.
Ở mùa tuyển sinh 2024, giống như năm trước, toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm cần lưu ý.
Một điểm nữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặc biệt lưu ý thí sinh, đó là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Cũng theo TS Phạm Như Nghệ, hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các em được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển.
Các trường nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống sẽ giữ ổn định như vậy, với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất ngày 10/7 các trường đại học phải công bố kết quả xét tuyển sớm và đưa danh sách trúng tuyển lên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các em cần nghiên cứu rất kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.
Bộ chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (trong trường hợp phương thức xét tuyển có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 thì thực hiện xét tuyển theo kế hoạch chung). Các trường phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến.
Thông tin về phương thức xét tuyển đại học nói chung, xét tuyển ngành Dược tại Đại học Thành Đô nói riêng, TS Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô - cho biết: Tại thời điểm này, phương thức sử dụng học bạ cấp 3 để xét tuyển đại học, cao đẳng là phương thức an toàn dựa trên kết quả học tập năm lớp 11 và kỳ 1 lớp 12.
Theo TS Nguyễn Thuý Vân, trường Đại học Thành Đô đang đào tạo về ngành Dược, các em có thể dùng kết quả học bạ cấp 3 để xét tuyển vào ngành này với điều kiện là kết quả lớp 12 phải đạt loại giỏi. Nếu kết quả học tập lớp 12 không đạt loại giỏi, các em học sinh có thể đăng ký vào trung cấp, cao đẳng, sau đó có thể học liên thông.
Ngoài xét tuyển học bạ, trường cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bên cạnh khối ngành Y, Dược, khối ngành Ngôn ngữ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các em học sinh. TS Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Ngôn ngữ ứng dụng, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - chia sẻ, tại trường Đại học Quốc tế bên cạnh các ngành về Kinh tế, Quản trị, Công nghệ thông tin thì còn có ngành Ngôn ngữ anh chuyên sâu về công nghệ thông tin và kinh tế. Đây là điểm khác biệt so với các ngành ngôn ngữ của các trường Đại học khác, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp cũng có cơ hội tìm được việc làm nhanh chóng sau khi tốt nghiệp.
Hơn 1.000 học sinh tham gia chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khoẻ - ngôn ngữ” |
Tại chương trình, Th.S Đặng Thị Ngọc Quyên, chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, Trưởng phòng Hợp tác, trường Đại học Anh quốc Việt Nam đã thông qua trò chơi nhỏ về ‘đổi giầy’ từ đó khuyến nghị 5 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp để có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn.
Theo Th.S Quyên, thứ nhất, cần phải hiểu mình mong muốn gì, như hiểu đôi chân mình đi được đôi giầy nào để chọn ra đôi giầy (nghề nghiệp) mình mong muốn nhất.
Thứ hai, phải hiểu về nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Ví như lựa chọn đôi giầy đi chơi thể thao, giầy đi dự sự kiện… Nghề nghiệp mình lựa chọn cần kiến thức, kỹ năng hay tính cách của người học như thế nào.
Thứ ba là cần phải hiểu môi trường đào tạo. Cũng giống như việc hiểu nhà cung cấp giầy là ai, giá thành ra sao, phù hợp với khả năng mình không?
Thứ tư, các em cũng cần trải nghiệm nghề, ví như việc lên các trang tuyển dụng xem đặc điểm nghề như thế nào, hỏi các thầy cô, nhà báo, anh chị đi trước để có thể hiểu sâu về nghề, định hướng theo nghề nào thì sẽ tiếp cận với người làm nghề đó, giống như đi một đôi giầy mới, chúng ta phải đi đi lại lại để xem có phù hợp không.
Thứ năm, lập kế hoạch và ra quyết định. Đi giầy rồi, cần phải lập kế hoạch thích đi giầy đó rồi thì phải làm thế nào để tiết kiệm được tiền mua; Giống như mục tiêu đến trường nào, xem xét kỹ mốc thời gian của từng trường…
Nếu lựa chọn được rồi thì hãy chiêm nghiệm lại giống như câu chuyện thử giầy, đổi giầy. Sau khi làm đủ 5 bước trên, Th.S Quyên đặt niềm tin các học sinh tham gia đối thoại hôm nay sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp của mình.