TS Vũ Đình Ánh: Bộ Công Thương đã nỗ lực lớn trong đảm bảo nguồn cung và điều hành giá xăng dầu
Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao. Ông đánh giá gì về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cũng như các giải pháp kiềm chế giá xăng dầu tăng cao như Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu gần đây tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ?
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh: Về những nỗ lực của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua, theo tôi thấy, nổi bật nhất là Bộ Công Thương đã đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu. Hiện nay, đã không còn tình trạng các cửa hàng xăng dầu ngừng bán vì thiếu hàng hay ngừng bán để đợi điều chỉnh giá. Đây là sự khác biệt lớn nhất, là thành công, kết quả và nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo nguồn cung từ các doanh nghiệp đầu mối cho đến cả hệ thống phân phối và hệ thống bán lẻ cuối cùng.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh |
Thứ hai, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những phân tích, đánh giá sâu về thị trường xăng dầu thế giới. Để từ đó có căn cứ đề xuất các Bộ ngành, cơ quan nhà nước điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam. Cung cấp những thông tin đó cũng giúp xã hội hay người tiêu dùng hình dung và hiểu được về sự biến động của thị trường xăng dầu và các biện pháp mà các nước trên thế giới áp dụng.
Thứ ba là Bộ Công Thương cũng đã chủ động đề xuất vấn đề xem xét điều chỉnh các khoản thu ngân sách nhà nước liên quan đến thuế, phí để làm sao biến nó thành công cụ để giảm bớt mức tăng của giá xăng dầu, cũng như là thông qua đó để hỗ trợ cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Hiện nay có 2 công cụ để điều hành và tránh xăng dầu tăng quá cao là quỹ bình ổn giá và thuế, phí. Theo báo cáo của doanh nghiệp, quỹ bình ổn hiện đã âm. Trong khi mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng với đời sống người dân, việc điều hành giá xăng dầu là trách nhiệm của rất nhiều Bộ ngành. Vậy ông đánh giá gì về dư địa thuế phí để kiểm soát giá xăng dầu?
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh: Hiện nay dư địa để điều hành giá xăng dầu đang rất nhiều, vì xăng dầu đang chịu 4 loại thuế, chiếm khoảng 38% giá xăng dầu. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề giảm thuế, phí thì không chỉ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hay kể cả là Chính phủ cũng không quyết ngay được, mà do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ Công Thương đã nỗ lực lớn trong đảm bảo nguồn cung và điều hành giá xăng dầu |
Hiện nay dư luận đang xôn xao việc giá xăng Malaysia đang ở mức 13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ trợ giá, và cũng chỉ trợ giá cho người dân bản địa. Đối với thực tế tại Việt Nam, ông bình luận gì về việc trợ giá này, đặt trong bối cảnh cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26, cũng như Việt Nam là quốc gia xuất khẩu với 74% kim ngạch xuất khẩu thuộc về khối FDI?
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh: Giá xăng của Malaysia hiện chỉ bằng 1/3 giá của mình, vì họ không thu thuế phí, bên cạnh đó họ còn có chính sách hỗ trợ thêm để hạ giá xăng dầu. Malaysia đã làm điều này khá lâu rồi và họ cũng là nước khai thác, chế biến xăng dầu tốt. Vì vậy cho nên họ có thể hỗ trợ ở khâu thương mại và khâu sản xuất.
Liên quan đến ngân sách, để hỗ trợ được như Malaysia, chúng ta phải cân đối trong câu chuyện thu chi; để đủ chi thì chúng ta phải có nguồn lực tài chính, đồng thời cũng phải có giải pháp để giảm tác động tiêu cực của việc giảm thuế phí, tức là giảm nguồn thu.
Bên cạnh đó, nếu sắp xếp, bố trí được nguồn ngân sách, thì có thực hiện chính sách hỗ trợ hay không, và nếu hỗ trợ thì hỗ trợ như thế nào cũng là vấn đề cần tính tới.
Tóm lại, để làm như Malaysia, không chỉ đặt vấn đề giảm thuế phí mà thậm chí phải tính đến cả vấn đề hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải có nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, cách thức làm như thế nào cho hiệu quả cũng cần phải tính tới, và tính rất kỹ.
Nếu như giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, và giá trong nước không thể nằm ngoài xu hướng tăng giá đó, ông có kiến nghị gì về các giải pháp an sinh xã hội, trước hết là cho nhóm người nghèo và người yếu thế?
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh: Đối với vấn đề này, tôi nghĩ rằng nên có cái nhìn tổng thể hơn. Nếu nhà nước có hỗ trợ thì đề xuất trợ giá cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng do tăng giá xăng dầu, chứ không nên lựa chọn riêng đối tượng nào vì điều này rất dễ xảy ra tiêu cực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!