Toàn cảnh buổi làm việc.
Tham gia Đoàn công tác còn có đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ nghiên cứu thuộc Ban và đại diện một số đơn vị như: Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Công an, Trung tâm nghiên cứu BIDV, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC,… Buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh còn có các đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; Dương Quốc Xuân, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Thường trực Tỉnh ủy và đại diện các sở ban ngành của tỉnh Tây Ninh…
Báo cáo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và đoàn công tác, đồng chí Huỳnh Văn Quang, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý I năm 2015 tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 9,4% so với cùng kỳ. Nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ đạt tỷ trọng khá cao. Giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cũng tăng so cùng kỳ.
Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND nêu rõ, tuyến biên giới Tây Ninh gồm 20 xã dài khoảng 240 km. Tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát và 14 cửa khẩu phụ. Dân cư thuộc các xã biên giới đa số sống bằng nghề nông, chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp và kinh tế lâm nghiệp. Đa số có thu nhập thấp do hầu hết các cơ sở đều có quy mô nhỏ, máy móc, thiết bị lạc hậu…
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Biên giới có vị trí, vai trò quan trọng thúc đẩy tiến trình mở cửa đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của các tỉnh biên giới. Trong bối cảnh biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định và phát triển sẽ thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cửa khẩu. sẽ hình thành các điểm tập trung dân cư mới. Từ đó làm cho đời sống dân cư khu vực biên giới được cải thiện đáng kể, góp phần bảo vệ an ninh, xã hội và an toàn vùng biên.
Trao đổi về tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn các xã vùng biên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh cho biết: sản xuất công nghiệp tập trung vào các ngành chế biến nông sản. Hầu hết đều có quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu; Nông nghiệp là ngành sản xuất chính, trong đó trồng trọt là chủ yếu. Vùng biên giới hiện có 8 dự án nông nghiệp với tổng diện tích 3.667 ha, tập trung vào trồng mía, cao su, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản; Thương mại - dịch vụ phát triển khá với 37 doanh nghiệp hoạt động tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát có 08 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 269,16 tỷ đồng; tình hình xây dựng nông thôn mới, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng đều có phát triển ổn định, cơ bản đạt kết quả.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ làm việc tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Trong chương trình làm việc của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, huyện Bến Cầu, đồng chí Trưởng Ban và Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và làm việc với Huyện ủy Bến Cầu cũng như đại diện lãnh đạo Khu kinh tế cửa khẩu cũng như các ban, ngành liên quan. Buổi làm việc tập trung nghiên cứu một số vấn đề như: Điểm đặc thù tuyến biên giới đất liền Campuchia ở Mộc Bài, Tây Ninh; điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở cả phía Việt Nam và phía bạn; vấn đề phân cấp quản lý; tăng cường phát triển khu kinh tế cửa khẩu; thực trạng dân cư biên giới, đặc biệt ở những xã có cửa khẩu; vấn đề giao đất, giao rừng; Cơ cấu và quản lý lao động, quản lý xuất nhập cảnh; Tình hình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia, đặc biệt là đầu tư FDI vào Campuchia và tác động đến Việt Nam; Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Về vấn đề này, đồng chí Trưởng Ban nhấn mạnh, ở đâu có Đoàn Kinh tế quốc phòng, có bộ đội biên phòng mạnh thì ở đó kinh tế - xã hội phát triển, người dân vùng biên giới an cư, lạc nghiệp;…
Đề cập về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Có 15/23 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Giá trị sản xuất các khu vực kinh tế tăng khá. Sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh sau suy giảm, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao; nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Xuất khẩu tăng nhanh hằng năm, sản phẩm đa dạng, giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Thu hút đầu tư ngoài nước tiếp tục khởi sắc, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều thay đổi; tập trung nguồn lực đầu tư kiến thiết thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh trước thời hạn hai năm. Các mặt văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên; một số vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm, giải quyết cơ bản.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, trên từng lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội chưa đạt Nghị quyết; kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa bền vững; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; nông nghiệp phát triển chưa vững chắc; thương mại - dịch vụ chuyển biến chưa nhiều; thị trường xuất khẩu còn khó khăn; kinh tế cửa khẩu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; môi trường đầu tư có mặt chưa thông thoáng; thu ngân sách còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chi cho phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới kết quả chưa toàn diện; tốc độ đô thị hoá chưa cao; tài nguyên môi trường chưa được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; cải cách hành chính chưa đồng bộ. Văn hoá, xã hội có mặt còn bất cập; một số vấn đề xã hội bức xúc giải quyết chưa dứt điểm; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị chậm được thu hẹp.
Trao đổi về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm khắc phục, xóa bỏ những hạn chế đang tồn tại, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND đề nghị 4 giải pháp lớn:
Một là, vận dụng cơ chế, chính sách vào thực tiễn phát triển của địa phương. Kịp thời phát hiện những bất hợp lý về cơ chế, chính sách để kiến nghị Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tham mưu, đề xuất về cơ chế, chính sách; kiến nghị những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn của địa phương để Trung ương nghiên cứu, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Hai là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, cơ cấu lại đầu tư công, xem đây là khâu đột phá; chú trọng phát triển nhanh ngành du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp tiết kiệm năng lượng.
Ba là, khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, nguồn lực. Chú trọng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng tiềm năng, lợi thế của địa phương trên các lĩnh vực, nhất là xác định rõ lợi thế so sánh để có giải pháp khai thác và định hướng phát triển. Chú trọng các giải pháp khai thác tối đa nguồn lực về vốn, tài nguyên, lao động, khoa học - công nghệ. Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quả các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố và các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực trong và ngoài địa phương.
Bốn là, hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ, toàn diện. Tăng cường phân cấp, phân nhiệm; xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Củng cố, chấn chỉnh, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương biểu dương những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong thời gian qua khi đã có thành quả nhất định trong tình hình bối cảnh chung đang rất khó khăn. Trao đổi về tình hình phát triển tuyến biên giới đất liền, đồng chí Trưởng ban nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh là một vấn đề quan trọng. Thực hiện chương trình công tác năm 2015, để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới trên đất liền, với 435 xã, ở 103 huyện, thuộc 25 tỉnh trong cả nước, Ban Kinh tế Trung ương đã có khảo sát một số địa phương, trong đó tỉnh Tây Ninh - một tỉnh có các cửa khẩu quan trọng của nước ta. Đồng chí Trưởng ban ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Tây Ninh, đồng thời đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện thêm báo cáo nêu rõ một số vấn đề như: quy hoạch; chính sách thương mại biên giới, kể cả chính sách của phía bạn; kết cấu hạ tầng; sắp xếp bố trí dân cư; thị trường lao động - hàng hóa; kinh tế quốc phòng;…