Thứ năm 26/12/2024 18:11

Trình Quốc hội việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chiều 12/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 với quy mô đầu tư 100 triệu hành khách/năm, lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình

Trong đó, giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Về quy mô đầu tư giai đoạn 1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư “Đường cất hạ cánh số 1” ở khu vực phía Bắc; trường hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên “Đường cất hạ cánh số 1” thì Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Quá trình triển khai giai đoạn 1, Chính phủ nhận thấy, việc xây dựng ngay “Đường cất hạ cánh số 3” cách “Đường cất hạ cánh số 1” đang đầu tư 400 m về phía Bắc ngay trong giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Việc đầu tư ngay “Đường cất hạ cánh số 3” trong giai đoạn 1 có nhiều thuận lợi như: Phù hợp với Quy hoạch được duyệt; Mặt bằng đã được giải phóng; nền đường đã được san gạt đến cao độ thiết kế; tiết kiệm chi phí, thời gian xây dựng; nguồn vốn đã được chủ đầu tư thu xếp.

Việc triển khai ngay không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho hay, tiến độ chuẩn bị và thực hiện đầu tư “Đường cất hạ cánh số 3” khoảng 24 tháng, sau khi được Quốc hội thông qua thì sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.

Quá trình triển khai giai đoạn 1 gặp một số khó khăn khách quan, chủ quan nên không thể hoàn thành vào năm 2025, như: Thời gian thi tuyển kiến trúc kéo dài; đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thiết kế kỹ thuật; sau 2 lần mời thầu mới lựa chọn được nhà thầu xây dựng nhà ga hành khách; một số công trình dịch vụ hàng không thuộc dự án thành phần 4 chậm triển khai.

Về trình tự thủ tục, tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư, do dự án có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, chưa định hình được phương án đầu tư nên Quốc hội đưa vào nội dung Nghị quyết số 94/2015/QH13 "Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư”.

Đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã xác định được cách thức tổ chức thực hiện đầu tư, hình thức đầu tư và quản lý khai thác nên Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tổ chức phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Giai đoạn 1 của Dự án mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là đúng thẩm quyền của Quốc hội theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công.

Hồ sơ dự án đáp ứng yêu cầu tại Điều 20 của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đến ngày 06/11/2024, Chính phủ mới có hồ sơ dự án gửi đến Quốc hội là chưa bảo đảm yêu cầu về thời hạn gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật Đầu tư công, ảnh hưởng tới công tác thẩm tra, tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Về sự cần thiết và những nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết và 3 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 747/TTr-CP.

Thứ nhất, điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng Đường cất hạ cánh số 3 của Dự án từ Giai đoạn 3 sang giai đoạn 1, để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với giai đoạn 1, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác liên tục của Cảng hàng không khi một đường cất hạ cánh gặp sự cố, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án…

Thứ hai, điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến hết ngày 31/12/2026. Việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án sẽ tạo điều kiện đồng bộ hạ tầng phụ trợ, các tuyến đường kết nối, nhà ga và các công trình hỗ trợ khác một cách hợp lý hơn, đặc biệt là đồng bộ với thời hạn hoàn thành việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành trong dài hạn.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ dự án; làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm đối với việc tổ chức thực hiện dự án nói riêng và các dự án quan trọng quốc gia khác nói chung, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.

Thứ ba, cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 của Luật Đầu tư công.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm để có giải pháp ổn định đời sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án, tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung khác theo các Nghị quyết của Quốc hội về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp chỉ đạo giải quyết, xử lý những bất cập, hạn chế trong việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để bảo đảm hoàn thành Dự án đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80

Thủ tướng: Thể chế phải đi trước, mở đường cho những đột phá phát triển

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đồng chủ trì Phiên họp rà soát các hoạt động trong khuôn khổ AZEC

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Bộ Nội vụ Campuchia mong Việt Nam tăng cường hỗ trợ ngành cơ yếu

Đại biểu Quốc hội: Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là giải pháp thiết thực

Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán FTA/CEPA với Qatar và Saudi Arabia

Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kéo dài thời điểm thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Đại sứ Australia khẳng định tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế dứt điểm việc chậm cấp đăng ký lưu hành thuốc

Các ban đảng đã hoàn thiện đề án tinh gọn bộ máy theo định hướng của Trung ương

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngành Công Thương

Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ, hợp tác với Australia

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Ngành Công Thương cần khẳng định vai trò tiên phong trong tăng trưởng 2 con số

Toàn cảnh Diễn đàn Bộ Công Thương chống lãng phí, khơi thông nguồn lực

PGS.TS Trần Đình Thiên: Bộ Công Thương tiên phong cải cách hành chính, tạo 'cú hích' cho nền kinh tế

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Ngành Công Thương đóng góp rất lớn tạo bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu nông sản

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

PGS.TS Trần Đình Thiên: Chống lãng phí phải đi đôi với cải cách thể chế, thông suốt các nguồn lực