Trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân
Sáng 15/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân trong ngắn hạn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, căn cứ Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các luật đang dự kiến sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các nhiệm vụ, giải pháp được phân loại, đề xuất thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW theo 3 nhóm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: QH |
Thứ nhất, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sẽ tập trung thể chế hóa các chính sách chưa có luật điều chỉnh, mang tính cấp bách, cần được tháo gỡ ngay để tạo chuyển biến rõ rệt trong môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân.
Các nội dung này được chia thành 5 nhóm chính sách lớn: Cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp cận đất đai, mặt bằng; hỗ trợ tài chính, tín dụng; thúc đẩy công nghệ, chuyển đổi số, nhân lực và hình thành doanh nghiệp đầu đàn, doanh nghiệp lớn.
Thứ hai, đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này khẩn trương rà soát, nghiên cứu, thể chế hóa ngay tại các dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Thứ ba, đối với các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo. Đồng thời, quy định một số nguyên tắc tại dự thảo Nghị quyết làm định hướng để sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật sắp tới.
Thể chế hóa Nghị quyết 68: Tạo đột phá chưa từng có cho kinh tế tư nhân
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị quyết là bước đi phù hợp với đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã đánh dấu bước ngoặt trong tư duy, định hướng phát triển kinh tế tư nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: QH |
Liên quan đến quy định tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết về các cơ chế, chính sách được áp dụng chung đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành.
Theo đó, các doanh nghiệp được áp dụng chung các quy định về: Nguyên tắc trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh; nguyên tắc xử lý sai phạm, giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh; giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với tinh thần về Nghị quyết số 68-NQ/TW về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh chung.
“Đối với một số cơ chế, chính sách cần có quy định cụ thể hơn về điều kiện đối với đối tượng áp dụng, Nghị quyết quy định ngay tại các điều, khoản có liên quan hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng đối tượng được hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm mục tiêu chính sách. Có ý kiến đề nghị, Nghị quyết này chỉ áp dụng với khu vực kinh tế tư nhân”- ông Phan Văn Mãi nêu.
Về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh (Điều 7 dự thảo Nghị quyết), theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Điều 7 nhằm thể chế hóa chủ trương tăng cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng cho khu vực kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW. So với Luật Đất đai năm 2024, quy định này đã mở rộng đối tượng được thuê lại đất hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ cao tư nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
“Đồng thời, dự thảo nêu rõ hơn cơ chế ưu đãi tiền thuê đất, phân bổ quỹ đất so với Nghị định 35/2022/NĐ-CP”- đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.
Khoản 4 Điều 7 trao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định quỹ đất tối thiểu dành cho doanh nghiệp được ưu tiên tiếp cận: bình quân 20 ha/khu (hoặc cụm) công nghiệp mới, hoặc 5% diện tích khu đất đã đầu tư hạ tầng.
“Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định này để tránh phát sinh cơ chế 'xin - cho', trục lợi chính sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp”- ông Phan Văn Mãi cho biết.
Riêng về cơ chế hoàn trả chi phí hỗ trợ tiền thuê đất cho nhà đầu tư hạ tầng, cần được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định thi hành, đặc biệt là làm rõ hình thức hoàn trả phù hợp với cách thức nộp tiền thuê đất (một lần hay hàng năm), nhằm bảo đảm tính khả thi và minh bạch khi triển khai.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất (Điều 9), cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, bài học từ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43/2022/QH15 cho thấy hiệu quả thấp do tiêu chí không rõ ràng, tâm lý e ngại thủ tục, kiểm tra, hậu kiểm khiến doanh nghiệp ngần ngại tiếp cận.
Toàn cảnh phiên họp sáng 15/5. Ảnh: QH |
“Vì vậy, để khoản hỗ trợ lãi suất theo Điều 9 dự thảo phát huy hiệu quả, cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng, nhất là các dự án xanh, tuần hoàn, áp dụng ESG; đồng thời bảo đảm nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình thanh tra, kiểm tra” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (Điều 11), dự thảo Nghị quyết định hướng ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tại miền núi, biên giới, hải đảo.
So với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 10 Luật Đấu thầu năm 2023 chỉ ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa với gói thầu xây lắp không quá 5 tỷ đồng, còn dự thảo Nghị quyết mở rộng mức trần lên 20 tỷ đồng. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ sở xác định mức giá này, phân tích tác động tích cực nhằm tăng tính thuyết phục.
Bên cạnh đó, đối với các gói thầu tư vấn quy mô 20 tỷ đồng vốn được xem là lớn, cũng cần đánh giá kỹ khả năng đáp ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không có nhà thầu phù hợp, nguy cơ phải đấu thầu lại có thể kéo dài tiến độ thực hiện. Một số ý kiến cũng đề nghị quy định cụ thể hơn với các gói thầu có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao hoặc công nghệ độc quyền những lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó đáp ứng, nhằm bảo đảm hiệu quả thực thi.
Các đại biểu cũng có ý kiến về một số nội dung: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu dự án trọng điểm (Điều 14); hỗ trợ nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ và chuyển đổi số (Điều 12); điều khoản thi hành... |