Triển vọng sáng cho cổ phiếu ngành điện?
Ngành điện đẩy mạnh cổ phần hóa
Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - ngành điện tăng trưởng bình quân 9,6%/năm trong giai đoạn 2010 - 2020 nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh về kinh tế và quy mô dân số. Tuy nhiên, vẫn xảy ra thiếu cung do còn phụ thuộc lớn vào thủy điện, nhu cầu phân hóa theo thời gian, và mất cân bằng cung cầu giữa các miền.
Việc cổ phần hóa ngành điện đang được đẩy mạnh triển khai |
Chính vì thế Chính phủ đã định hướng thị trường hóa ngành điện trong giai đoạn tới là thị trường hóa bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, theo Quyết định 63/2013/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam. Ngoài ra, theo Nghị quyết 55-NQ/TW về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045 có chỉ rõ vấn đề bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hoá hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thực hiện các công tác để tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2). Theo đại diện của EVN, với tỷ lệ chiếm 13% tổng công suất trên hệ thống điện với tổng công suất là trên 4.400MW, EVNGENCO 2 là nguồn đầu tư, nguồn cung cấp điện lớn cho hệ thống điện quốc gia. Việc thực hiện cổ phần hóa giúp EVNGENCO 2 có nguồn lực để mở rộng các công trình, tái đầu tư các công trình như chuyển Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I sang chạy khí, tìm kiếm cơ hội đầu tư từ các nguồn khác như nhà máy điện khí hóa lỏng. Đặc biệt hiện nay EVNGENCO 2 đang nghiên cứu đầu tư điện mặt trời trên các hồ thủy điện. Đây là tiềm năng lớn của EVNGENCO 2.
Ông Trương Hoàng Vũ - Tổng giám đốc EVNGENCO 2 - cho biết, EVNGENCO 2 sẽ tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) 580,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 48,9% vốn điều lệ với giá khởi điểm là 24.520 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra ngày 8/2 tới.
Đánh giá về việc EVNGENCO 2 tiến hành cổ phần hóa trong thời điểm này, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - cho rằng, đây là thương vụ lớn trong ngành điện và là cơ hội hiếm hoi để nhà đầu tư quan tâm. “Những thương vụ lớn như thế này đòi hỏi khâu phê duyệt khá mất thời gian, nhưng EVNGENCO 2 đã làm được và đang triển khai rất tốt” - ông Lực nhận xét.
Triển vọng sáng cho nhà đầu tư vào cổ phiếu điện?
Trên thực tế, cổ phiếu ngành điện trong 2 năm qua có sự tăng trưởng tốt. Trong giai đoạn 2019 - 2020, chỉ số giá cổ phiếu ngành sản xuất và phân phối điện đạt 29,9%, cao hơn 6,9% so với chỉ số Vn-Index và cổ phiếu ngành điện năm 2020 cũng tiếp tục tăng mạnh. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của nhà đầu tư cũng như triển vọng phát triển của ngành khá nhiều điểm sáng. Đặc biệt ngành điện được đánh giá là ít rủi ro hơn nhiều ngành nghề khác do đây là lĩnh vực thiết yếu đối với người dân và doanh nghiệp.
Theo các công ty phân tích chứng khoán, nhóm ngành điện luôn là nhóm ngành thu hút được dòng tiền trên thị trường chứng khoán mỗi khi có rủi ro biến động mạnh. Bằng chứng là trong dịch SARS 2003, các cổ phiếu ngành điện là những cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt nhất trên sàn chứng khoán S&P.
Ngoài ra, xu hướng về cơ cấu lại ngành điện và xu hướng về phát triển năng lượng tái tạo cũng là xu hướng tất yếu trên thế giới. Ở Việt Nam, những chỉ đạo, định hướng gần đây của Đảng và Nhà nước cũng đang đi theo hướng này nên sẽ là hướng tích cực cho nhà đầu tư.
"Đầu tư vào cổ phiếu ngành điện ở Việt Nam thời gian tới có khá nhiều tiềm năng. Lý do, kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi và tăng trưởng tương đối tốt trong giai đoạn 10 năm tới, với mức tăng trưởng từ 6,5 - 7%. Kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu về điện năng cũng sẽ phát triển theo, ở mức tương đối cao, có thể tăng từ 7 - 10% trong 10 năm tới"- ông Cấn Văn Lực đánh giá.
Tuy nhiên ông Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng đầu tư vào ngành điện đòi hỏi vốn lớn và có quá trình trung dài hạn. Do đó những doanh nghiệp quản trị minh bạch, niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ có nhiều lợi thế, nhất là về huy động vốn và nâng cao hiệu quả kinh doanh.