Triển vọng lớn cho hàng Việt tại châu Phi
- Ông Phạm Trung Nghĩa- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương)- chia sẻ tại Hội thảo "Những cơ hội và thách thức đối với thị trường Châu Phi- Trung Đông" do Bộ Công Thương tổ chức vào hôm nay (25/6), tại Hà Nội.
Nhiều hứa hẹn
Theo ông Phạm Trung Nghĩa, kinh tế của các nước châu Phi đang tăng trưởng tương đối nhanh thời gian qua với nguồn dự trữ ngoại tệ cao nhờ vào việc xuất khẩu dầu mỏ, khoáng sản. Do đó, nhu cầu với mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm như gạo, thủy sản, giày dép cũng lớn dần.
Thực tế, trong giao thương với châu Phi, thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là việc 41/55 quốc gia ở khu vực này đã là thành viên của WTO với cơ chế thị trường thông thoáng hơn. Nhiều nước tại châu Phi cũng đang tiến hành dỡ bỏ dần hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng kiểm soát đối với nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia ở châu Phi còn được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hoa Kỳ, EU hoặc các nước trong khu vực châu Phi có trở thành một đòn bẩy tích cực trong việc đưa hàng Việt Nam mở rộng thị trường và kênh phân phối sản phẩm sang đối tác thị trường thứ 3.
“Cùng với chủ trương đẩy mạnh quan hệ phát triển hợp tác với các nước châu Phi của Chính phủ và trong bối cảnh các doanh nghiệp đang cần đa dạng hóa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu thì các thị trường tiềm năng như châu Phi thực sự là điểm đến khá hấp dẫn”- ông Nghĩa chia sẻ.
Thống kế từ Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2010 Việt Nam liên tục xuất siêu sang châu Phi. Cụ thể năm 2010 xuất siêu 1,023 tỷ USD, năm 2011 xuất siêu 2,286 tỷ USD, năm 2012 xuất siêu 1,453 tỷ USD, năm 2013 xuất siêu 1,464 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước châu Phi năm 2013 mới chỉ chiếm 67% tổng kim ngạch hai chiều và chỉ chiếm 5% lượng hàng hóa cần nhập khẩu tại thị trường khu vực này.
Các mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này tập trung chủ yếu là gạo, điện thoại, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, dệt may, dược phẩm và linh kiện điện tử. Trong đó, gạo và thủy sản là mặt hàng mà sức mua của thị trường châu Phi còn rất lớn.
Khai thác tối đa
Ông Đỗ Kim Lang- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại- cho hay, cơ hội khai thác thị trường là rất lớn nhưng việc các doanh nghiệp cần làm là biết khai thác tối đa lợi ích thị trường và đa dạng hơn với các sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh các mặt hàng đang có chỗ đứng tại thị trường này như dệt may, cà phê, hạt tiêu,…, các doanh nghiệp nên có chiến lược đâu tư tập trung cho các mặt hàng ưu tiên mà người tiêu dùng có nhu cầu cao như rau quả, gạo, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, điện thoại và linh kiện.
Về thị trường, các doanh nghiệp cần tập trung vào Ai Cập, Algeria, Nam Phi, các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để làm khâu đột phá vào khu vực châu Phi, bởi qua Ai Cập và Algeria có thể mở rộng sang thị trường Bắc Phi, qua Nam Phi để mở đường vào Châu Phi cận Sahara và qua UAE để mở rộng sang Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (khối GCC).
Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiến hành các hoạt động đầu tư tại thị trường châu Phi. Đơn cử như Tập đoàn Viettel trong lĩnh vực viễn thông với dự án đầu tư tại Mozambique (345,6 triệu USD) và Cameroon (400 triệu USD); Tập đoàn PetroVietnam trong lĩnh vực khai thác và thăm dò dầu khí đầu tư 300 triệu USD tại Algeria, Cộng hòa Cong. Ngoài ra cũng có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang khai thác đầu tư xây dựng, sản xuất chế biến gỗ…tại nhiều nước trong khu vực.
Đáng lưu ý, để phòng tránh các rủi ro, nhất là các hợp đồng xuất khẩu khi làm qua trung gian, các chuyên gia tại Hội thảo cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần phải yêu cầu đối tác đặt cọc trước 30% giá trị hợp đồng và thông qua Thương vụ Việt Nam tại khu vực để nắm bắt rõ hơn thông tin liên quan đến đối tác.
Các doanh nghiệp cũng cần chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, thuế tự vệ…) và một rào cản về kỹ thuật nghiêm ngặt liên quan tới giấy chứng nhận Halal đối với thực phẩm nhập khẩu, hay bộ chứng từ gửi hàng xuất khẩu phải được cơ quan đại diện ngoại giao nước mua đóng ở nước bán chứng thực lãnh sự hóa.
"Với mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường châu Phi, thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tổ chức nhiều đoàn giao thương, xúc tiến thương mai sang các thị trường trọng điểm ở châu Phi và Trung Đông, các Hiệp hội và doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để tham gia tiếp cận và làm việc với đối tác nhằm đạt hiệu quả hơn”- ông Đỗ Kim Lang cho biết.
Hùng Cường