Triển khai loạt giải pháp thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam - Kazakhstan
Bên lề Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 55 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sỹ, ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có cuộc tiếp xúc song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Murat Abugaliuly Nurtleu.
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam hoan nghênh kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev vào tháng 8/2023 và mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm; đồng thời khẳng định, Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Kazakhstan, đối tác quan trọng của Việt Nam ở khu vực Trung Á.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp xúc song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Murat Abugaliuly Nurtleu. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Cũng trong buổi tiếp xúc song phương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Murat Abugaliuly Nurtelu nhấn mạnh, Kazakhstan đặc biệt coi trọng quan hệ với Việt Nam và nhất trí hai bên cần thúc đẩy những biện pháp toàn diện, hiệu quả nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực cũng như hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Đặc biệt, lãnh đạo Hai bên nhất trí cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, vốn vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động giao thông, du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực vào tháng 10/2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Kazakhstan đã tăng trưởng rất tích cực, trung bình khoảng 28%/năm trong giai đoạn 2017 - 2021.
Tính đến tháng 11/2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 939,6 triệu USD, cao hơn 95,7% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Kanat Tumysh - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam cho biết, Hiệp định EAEU là một động lực bổ sung cho sự phát triển quan hệ thương mại song phương. Hiện, Kazakhstan đứng thứ hai về kim ngạch thương mại với Việt Nam trong số các nước thành viên EAEU.
Hiện nay, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu của Kazakhstan sang Việt Nam là 500 triệu USD trong các lĩnh vực như: Thực phẩm, xây dựng, hóa chất, luyện kim và hóa dầu. Năm 2024, hai nước có thể nâng kim ngạch thương mại từ 1,5 lên 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, Đại sứ Kanat Tumysh cho rằng, quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai bên vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng vốn có của hai nước. Thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, Đại sứ Kanat Tumysh cho biết, Kazakhstan mong muốn thúc đẩy hợp tác đường sắt với Việt Nam thông qua tuyến Hành lang Đông Tây xuyên Caspi. Cụ thể, Việt Nam có thể đóng vai trò cửa ngõ để Kazakhstan hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á và Kazakhstan sẽ là cầu nối để Việt Nam hợp tác với các nước Trung Á, góp phần thúc đẩy trao đổi giao thương, xuất nhập khẩu hàng hoá thuận lợi.
Với việc đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, năm 2024, hai nước có thể nâng kim ngạch thương mại từ 1,5 lên 2 tỷ USD. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước C5 khu vực Trung Á trong đó có Kazakhstan, Bộ Công Thương đã ra thông báo về việc triển khai đồng bộ các giải pháp.
Bộ Công Thương cho biết, C5 bao gồm 5 nước Cộng hòa thuộc Trung Á là: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Takjikistan, Turkmenistan, Uzbekistan. Đây là những quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam và việc tăng cường hợp tác với khu vực này thường xuyên được lãnh đạo cấp cao hai Bên quan tâm thúc đẩy trong thời gian vừa qua. Mặc dù vậy, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và C5 hiện vẫn ở mức rất khiêm tốn, trong khi đó hai bên hiện vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa hợp tác.
Trong bối cảnh C5 đang nổi lên như một khu vực có tầm quan trọng về địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới, và được nhiều quốc gia lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu... đẩy mạnh hợp tác, việc xây dựng và triển khai các giải pháp tổng thể để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước C5 rất cần thiết.
Để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước C5 khu vực Trung Á, một loạt các giải pháp được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai như: Hoàn thiện và mở rộng các khung khổ pháp lý trong hợp tác kinh tế - thương mại; hỗ trợ thông tin; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác trong mô hình kinh tế mới.
Đối với giải pháp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ triển khai việc thành lập Cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại Kazakhstan (kiêm nhiệm 4 nước C5 còn lại là: Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan); chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nghiên cứu xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối doanh nghiệp Việt Nam và C5.
Song song đó, tăng cường nghiên cứu các chính sách của C5 để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư, giao thương vào thị trường khu vực này nhằm khai thác triệt để các lợi thế sẵn có của C5...