Triển khai giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững
Trong khi nhiều doanh nghiệp phía Nam không thể duy trì sản xuất vì khó đáp ứng các yêu cầu khắt khe của phương án "3 tại chỗ" thì các doanh nghiệp da giày khu vực phía Bắc vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên, phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi bởi vận tải gặp khó khăn. Do đó, một số đối tác của ngành da giày dần chuyển đơn hàng sang nước khác.
Khó khăn của ngành da giày là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong nhóm hàng công nghiệp chế biến. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nêu thực trạng, sau hơn 1 tháng nhiều địa phương thực hiện cách ly xã hội, rất nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến phải ngừng sản xuất vì không đáp ứng được các yêu cầu chống dịch. Điều này kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất khác không thể duy trì sản xuất vì nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp duy trì được sản xuất cũng luôn trong tình trạng khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, tâm lý công nhân không ổn định vì giãn cách kéo dài… Hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu đơn hàng tăng cao. Việc doanh nghiệp phải ngừng sản xuất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nói chung mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh về lâu dài.
Tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn |
Ổn định sản xuất, lưu thông
Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức 8%, cán cân thương mại cân bằng, hoặc duy trì nhập siêu ở mức độ thấp. Đây được đánh giá là mục tiêu vừa sức với doanh nghiệp, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Ngay tại Quyết định 1993/QĐ- BCT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ rõ, nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu là cần chủ động quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm ổn định sản xuất, lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động trở lại, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đó, tất cả các Cục, Vụ của Bộ đều được yêu cầu vào cuộc, bám sát thực tế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Đơn cử, Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi theo dõi sát diễn biến tình hình xuất khẩu nông, thủy sản qua biên giới; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều tiết hoạt động lưu thông hàng hóa phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu, điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu trên địa bàn; kịp thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, bảo đảm thông quan thuận lợi, an toàn.
Song song với đó, Bộ Công Thương quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, chủ động tháo gỡ khó khăn và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Giữ vững, kết hợp với mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từng bước đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý, bao gồm cả cán cân thương mại nói chung và với từng khu vực thị trường. Đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trên thị trường ngoài; tăng cường phòng, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ…
Xuất nhập khẩu hàng hóa từ nay đến cuối năm được dự báo đối diện với những thuận lợi và thách thức đan xen. Trong đó, dịch bệnh là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát dịch bệnh. |