Tại phiên họp, dù có bản tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng này, song các uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phải có đánh giá tác động của các quy định mới và rà soát lại các quy định trong dự thảo luật để tránh gây xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như các quy định quốc tế.
Thận trọng khi đưa hộ kinh doanh vào luật
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Doanh nghiệp hiện hành và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành. Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.
Cần rà soát, đánh giá tác động của những quy định mới đưa vào dự thảo luật |
Đi vào nội dung cụ thể liên quan đến hộ kinh doanh - vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm - ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, trong dự thảo lần này, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì vẫn thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh như một hình thức kinh doanh nhằm đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp.
Tuy nhiên, luật không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Cùng đó, dự thảo luật cũng quy định về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh, như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện…
Trong phần thảo luận, hầu hết các ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đều tỏ ra băn khoăn trước việc luật hoá đối với hộ kinh doanh. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trước khi đưa quy định này vào luật thì cần phải lý giải được nguyên nhân vì sao các hộ kinh doanh không thích chuyển thành doanh nghiệp.
Ông Phúc cho rằng, khi chuyển thành doanh nghiệp thì có rất nhiều vấn đề liên quan, như: thuế; kế toán; thanh tra, kiểm tra… Vì vậy, nếu đưa hộ kinh doanh vào luật thì đương nhiên coi họ như doanh nghiệp, nên cần phải có đánh giá tác động một cách toàn diện.
Bổ sung thêm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải - đề nghị cân nhắc vấn đề này và nên có cơ chế thoáng để phát triển sản xuất kinh doanh, không phải vì hộ kinh doanh thực hiện thuế khoán nay đưa vào luật thì quản lý thuế chặt hơn mà vấn đề là khoán thuế có sát thực tế hay không.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật là vấn đề lớn nhưng chưa có sự đánh giá tác động đầy đủ. Bà cho rằng, phải trả lời được câu hỏi lớn nhất là sửa đổi luật có giải quyết được bất cập hiện nay hay không và phải bảo đảm không tạo ra sự không tương thích mới, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Rà soát tổng thể, tránh gây xung đột với hệ thống luật pháp hiện hành
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 với những nội dung chủ yếu gồm: nhóm quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các khái niệm và chính sách đầu tư kinh doanh; nhóm các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện; nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; nhóm các quy định về ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài...
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thành cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi với đánh giá, việc sửa đổi sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất trong nội tại của Luật, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xử lý những quy định còn mâu thuẫn với các luật khác (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…), nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Đối với quy định về ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường, Uỷ ban Kinh tế cho biết, hiện có hai loại ý kiến: Tán thành Tờ trình và dự thảo Luật giao Chính phủ quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường; Đề nghị xây dựng Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường ngay trong Phụ lục ban hành kèm theo dự thảo Luật, nhất là Danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường. Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành loại ý kiến thứ hai nhằm bảo đảm tính minh bạch và đồng bộ trong chính sách đầu tư.
Trong phần thảo luận, các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ song đề nghị ban soạn thảo rà soát lại các phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhằm bảo đảm những vấn đề, nội dung được bổ sung hay bãi bỏ sẽ không tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư hiện nay, tránh làm phức tạp hay tạo xung đột mới, nhất là với những dự án đang triển khai.
Đồng thời rà soát lại sự thống nhất của dự án luật với những luật hiện hành có liên quan, tránh gây chồng chéo hoặc làm nảy sinh xung đột mới và cân nhắc thận trọng những điều khoản liên quan đến nghĩa vụ của người dân, đầu tư nước ngoài, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài... và phải đưa ngay những nội dung này vào dự thảo Luật thay vì giao Chính phủ quy định.
Nhấn mạnh phải cân nhắc lại việc thay đổi danh mục lĩnh vực kinh doanh có điều kiện trong dự thảo Luật Đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chỉ nên bổ sung những ngành nghề thực sự cần thiết và không nên mở rộng đến những lĩnh vực đã tồn tại trong thực tế.