Huyện Nậm Pồ là địa bàn trọng điểm, chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, được thành lập năm 2013 trên cơ sở chia tách 10 xã của huyện Mường Nhé và 5 xã của huyện Mường Chà. Toàn huyện có 8/15 xã giáp biên với hơn 120km đường biên giới giáp Lào. Sau 7 năm xây dựng, phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những chương trình, dự án đầu tư hiệu quả, Nậm Pồ đã có những đổi thay tích cực trên các lĩnh vực đời sống, diện mạo nông thôn bản làng đã có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, Nậm Pồ vẫn là huyện nghèo nhất của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 56% (năm 2019), số hộ nghèo chưa có nhà ở, nhà ở tạm, dột nát còn hơn 1.000 hộ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Đến bản Đề Tinh 2 vào những ngày cuối tháng 7, đúng vào cao điểm mùa mưa, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả của người dân nơi này. Mưa khắp các bản làng, phủ trắng vùng biên giới. Mưa, gió và lạnh dường như cũng làm những căn nhà mái lá của đồng bào trở nên run rẩy, mong manh hơn như chính những số phận đang ẩn mình trong đó.
Giữa vùng đồi núi, mở mắt ra là rừng, là suối. Đất đai thì nhiều nhưng chẳng thể canh tác, phải cố gắng lắm cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào mới đủ ăn nói gì đến việc xây dựng cho mình một tổ ấm để an cư.
Ngôi nhà trước kia của gia đình anh Hồ Chủ Khái - bản Đề Tinh 2 |
Cũng giống như nhiều hộ gia đình khác trong bản, nhà của anh Hồ Chủ Khải vừa nhỏ, vừa chật chội. Mái nhà lợp bằng tấm proxim lỗ chỗ thủng qua thời gian, mùa hè thì nóng, mùa mưa vừa dột và lạnh vì gió lùa khắp nơi. Nhiều năm qua, không có công việc ổn định, ai gọi gì thì làm nấy, cuộc sống của Khái vô cùng khó khăn. Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi nên không có tiền để sửa chữa nhà. Mấy người vợ trước cũng vì đói nghèo mà bỏ đi. Cũng may còn có người đàn bà khác cùng cảnh ngộ thương tình đến ở cùng, rổ giá cạp lại nên Chủ Khái vẫn có một gia đình.
Dù không rơi vào hoàn cảnh như Hồ Chủ Khải nhưng ở bản Đề Tinh 2 và nhiều bản khác ở huyện Nậm Pồ vẫn còn hàng trăm hộ dân đều phải sống trong những căn nhà dột nát tương tự. Đơn cử như Hồ Goản Phìn, bản Đề Tinh 2 từ lúc lập gia đình đến nay, hai vợ chồng và con nhỏ ở trong căn nhà vách nứa, lụp xụp; hay hộ anh Thào A Dũng, Bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ với 3 đứa con nhỏ cùng sinh sống trong căn nhà mái lá cọ, cỏ gianh, vách thưng ván, quanh năm gió lùa…
Cuộc sống mưu sinh khó khăn, không có tích luỹ, chẳng ai dám mơ đến một ngôi nhà tử tế. Thế nhưng sẽ không còn lâu nữa, những hộ dân bản Đề Tinh 2 và nhiều bản khác ở Nậm Pồ sẽ được sinh sống trong ngôi nhà mới “3 cứng” khung cứng, nền cứng và mái cứng của chính mình. Cuộc sống rồi sẽ khác.
Những ngôi nhà “3 cứng” nằm trong chương trình an sinh xã hội do Bộ Công an phát động, trong đó huyện Nậm Pồ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa 615 ngôi nhà (cơ bản là làm mới). Nguồn kinh phí được Tập đoàn EVN và EVNNPC tài trợ gần 30 tỷ đồng và giao cho Công ty Điện lực Điện Biên làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Nậm Pồ xây dựng và tu sửa lại (chủ yếu xây mới) nhà cho các hộ dân.
Dù thời điểm triển khai chương trình là mùa mưa nhưng với tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, chính quyền địa phương cùng với sự chung sức, đồng lòng của bà con thôn bản sau gần 2 tháng triển khai chương trình đã có hơn 300 ngôi nhà ở 15 xã đã được hoàn thành, bàn giao cho người dân sử dụng. Số còn lại sẽ được triển khai tiếp, phấn đấu đến hết tháng 8/2020 sẽ hoàn thành.
Quá trình xây dựng nhà "3 cứng" của gia đình anh Thào A Dũng Bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ |
Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ cho biết: Nhà xây mới được hỗ trợ mức tối đa 50 triệu đồng/nhà, đảm bảo diện tích nhà tối thiểu 36 m2.
Hộ neo đơn, xa trung tâm, khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu, diện tích nhà tối thiểu 30m2. Hộ có nhà cải tạo, sửa chữa được hỗ trợ 15 triệu đồng/hạng mục. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - nhân dân làm nhà”, dựa trên nguyên tắc “cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”, thời gian qua các đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã xây dựng, sửa chữa nhà tại địa bàn phụ trách.
Cũng theo ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy huyện Nậm Pồ: Ngay khi có chủ trương làm nhà của Bộ Công An cùng với sự tài trợ của Tập đoàn EVN, Tổng công ty EVNNPC và Công ty Điện lực Điện Biên đã phối hợp rất chặt chẽ đối với cấp ủy, chính quyền của huyện cũng như các Sở, ban, ngành của tỉnh. Sau khi tiến hành rà soát EVNNPC đã sớm chuyển kinh phí, để triển khai làm nhà cho bà con”.
Lãnh đạo Tổng công ty EVNNPC tặng kinh phí tài trợ cho chương trình |
Đại diện chính quyền nhiều xã cho biết, khi biết được hỗ trợ làm nhà, bà con đều rất vui. Từng gia đình háo hức đến nhận vật liệu và chuyển về nhà bằng xe máy hoặc vác trên những đôi vai. Nhiều người dân trong bản cũng tạm gác công việc đồng áng để giúp các hộ san nền, cải tạo mặt bằng, vận chuyển vật liệu về nhà. Công việc dù nặng nhọc, vượt qua nhiều cung đường khó khăn vẫn không ngớt tiếng cười nói râm ran... Cái lợi của chương trình không chỉ đối với người được thụ hưởng nhà mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái. Ai có sức thì giúp sức, người dân trong bản đều huy động nhân lực, làm sao để giúp đồng bào mình sớm có nơi an cư.
Anh Thào A Dũng chia sẻ, nhờ Đảng, Nhà nước, nhờ ngành điện và các cấp chính quyền quan tâm làm cho nhà mới, rộng rãi, chắc chắn nên ai cũng mừng, cũng vui. Mưa gió không phải lo sợ nữa, gia đình rất yên tâm.
Lãnh đạo Bộ Công an, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đại diện chính quyền bàn giao nhà cho gia đình anh Giàng A Chu tại bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần |
Theo ông Hồ Chử Dung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phìn Hồ, triển khai chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động, xã đã hoàn thành 16/46 nhà, để chuẩn bị bàn giao cho người dân. Số nhà còn lại đã chuẩn bị xong nền, tập kết được vật liệu, máy móc, thiết bị đến địa điểm xây dựng. Xã phấn đấu chậm nhất đến ngày 30/8 sẽ hoàn tất việc làm nhà cho người nghèo được thụ hưởng từ chương trình. Qua đợt hỗ trợ lần này, các hộ nghèo trên địa bàn xã Phìn Hồ sẽ bớt khó khăn hơn, từ đó ổn định phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn xã.
Đại diện lãnh đạo EVNNPC cho biết, hiện nay Tập đoàn EVN cùng EVNNPC đã và đang gấp rút phối hợp với Bộ Công An, Công An tỉnh Điện Biện, các đối tác để thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra, phấn đấu bàn giao nhà cho bà con đón Tết độc lập.
Chia tay Nậm Pồ trong cơn mưa trắng trời, con đường trước mặt còn xa song mỗi chúng tôi đều có niềm tin rằng, cuộc sống tương lai của những đồng bào dân tộc thiểu số ở Nậm Pồ sẽ khác với một trang mới, tươi sáng hơn. Những ngôi nhà mới sẽ làm điểm tựa, tạo động lực cho họ vươn lên xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.