Trách nhiệm Bộ Y tế ở đâu khi bệnh viện nghìn tỉ đồng vẫn bỏ hoang?
Trong bối cảnh quá tải bệnh viện xảy ra ở nhiều nơi, thì câu hỏi: “Bao giờ Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 (ở Hà Nam) có thể đi vào hoạt động, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân?” cần sớm có câu trả lời hơn bao giờ hết. Thế nhưng, đây vẫn là một “câu hỏi khó” đối với Bộ Y tế.
Bệnh nhân và người nhà chen chân ở bệnh viện Nhi T.Ư chờ khám. Ảnh: T. Linh |
8 biện pháp giảm quá tải bệnh viện của Bộ Y tế
Thời gian qua, Báo Lao Động đã đăng tải hàng loạt bài viết về vấn đề bệnh viện quá tải. Ghi nhận tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương… cho thấy tình trạng quá tải diễn ra phổ biến, bệnh nhân mệt mỏi chen chân khám bệnh, chờ đợi để được điều trị. Trong khi các cơ sở 1 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) luôn trong tình trạng quá tải, thì tại các cơ sở 2 với quy mô rất lớn của 2 bệnh viện này ở Hà Nam lại đang "cửa đóng then cài", không hoạt động, bỏ hoang, cỏ dại mọc kín lối đi.
Trả lời Báo Lao Động về vấn đề bệnh viện quả tải, Bộ Y tế cho biết: Trong các năm 2020 - 2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khám chữa bệnh của người bệnh và các cơ sở y tế. Nhiều người dân đã trì hoãn việc thăm khám định kỳ do lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện nay, với tình hình dịch đã được kiểm soát, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tăng cao tại một số Bệnh viện Trung ương, Bệnh viện đầu ngành. Bên cạnh đó, do việc thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các bệnh viện vùng hạng trên toàn quốc theo điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế (thông tuyến huyện từ ngày 1.1.2016 và thông tuyến tỉnh từ ngày 1.1.2021), bệnh nhân có điều kiện hơn trong việc tiếp cận dịch vụ từ tuyến trên.
Đơn cử tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện đã gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể: Số lượng bệnh nhân đến khám trung bình từ 6.500-8.000 lượt/ngày. Số lượng bệnh nhân nhập viện trung bình 600-700 người/ngày. Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện trung bình từ 3.800-4.000 người.
Trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện đã thực hiện 249.523 ca thủ thuật; trên 8.900 ca phẫu thuật; triển khai kỹ thuật cao 1.976 ca/6 tháng; Ghép thận: 15 ca; Lọc máu bằng kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc: 190 ca; Phẫu thuật vi phẫu u não nền sọ: 98 ca...
Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế cho hay, đã và đang thực hiện các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, cụ thể như: Một là, tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm số giường bệnh cho các chuyên khoa ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Hai là, xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Ba là, thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
Bốn là, tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới Trạm y tế xã trong cả nước...
Năm là đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng. Sáu là, tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng bệnh viện.
Bảy là, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách y tế. Tám là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.
Bệnh viện bỏ hoang là do... chuyển tiếp giữa Luật Xây dựng cũ và mới?
Trong văn bản trả lời Báo Lao Động về vấn đề này, theo Bộ Y tế, thực hiện quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16.1.2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư của 02 dự án, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4985/QĐ-BYT ngày 1.12.2014 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Quyết định 4986/QĐ-BYT ngày 1.12.2014 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với mục tiêu xây dựng 2 bệnh viện tuyến trung ương đạt tiêu chuẩn: Hiện đại, đồng bộ, cơ chế quản lý điều hành tiên tiến, có trình độ khám chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, hạn chế bệnh nhân ra nước ngoài điều trị. Quy mô mỗi bệnh viện có 1.000 giường điều trị nội trú.
Về nguyên nhân của các dự án bệnh viện nghìn tỉ bỏ hoang, Bộ Y tế khẳng định: "Đây là 2 dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật đồng bộ, phức tạp, tại thời điểm triển khai dự án, có sự chuyển tiếp giữa Luật Xây dựng (cũ) năm 2005 và Luật Xây dựng mới năm 2014 nên đã có một số những khó khăn, vướng mắc dẫn tới chậm tiến độ so với kế hoạch".
Về giải pháp, Bộ Y tế cũng đưa ra một câu trả lời chung chung: "Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị tích cực khẩn trương rà soát các công việc, những khó khăn vướng mắc của 2 dự án.
Đồng thời, Bộ Y tế xin ý kiến các Bộ ngành để hoàn chỉnh báo cáo và đề xuất các giải pháp, và với vướng mắc vượt thẩm quyền của Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể sớm hoàn thành các công việc còn lại và đưa 2 Bệnh viện đi vào hoạt động, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân".
Trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Trong bối cảnh ở một số nơi, người dân đi chữa bệnh phải chờ đợi, xếp hàng, bệnh viện quá tải; Nhà nước thì chăm lo xây bệnh viện cho người dân mà cuối cùng lại bỏ hoang phế như vậy thì đây là trách nhiệm không nhỏ của tổ chức và các cá nhân liên quan.
"Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, phải truy nguyên nhân từ Ban quản lý dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức 2 và Bệnh viện Bạch Mai 2 để xem xét"- Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.