Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành công văn thông báo Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo nội dung công văn, căn cứ Điều 232 Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngày 28/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra bản Kết luận điều tra số 34/KL-VPCQCSĐT đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Trịnh Văn Quyết và 20 đồng phạm về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Viện kiểm sát nhân dân tối cao xét thấy cần phải điều tra bổ sung để bảo đảm việc truy tố nên đã ra Quyết định số 433/QĐ-VKSTC-V5 trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án Trịnh Văn Quyết và đồng phạm về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 211 và Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC |
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.
Theo kết luận điều tra, ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC) đã chỉ đạo em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế (kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC) cùng những người liên quan thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán để thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng; thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 26/5/2017 – 10/11/2022, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo bị can Trịnh Thị Minh Huế cùng đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, qua đó thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng. Kết luận nêu rõ với số tiền 723 tỷ đồng thu lời, ông Quyết đã sử dụng để mua cổ phần một số công ty, trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Cơ quan điều tra còn xác định, trong thời gian từ năm 2014 - 2016, thực tế các cổ đông chỉ góp 1.197 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty CP Xây dựng Faros. Tuy nhiên, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, từ năm 2014 – 9/2016, ông Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thuộc cấp và các cá nhân có liên quan thực hiện lập và ký khống hồ sơ, chứng từ góp vốn khống 3.102 tỷ đồng, làm tăng khống vốn chủ sở hữu của Công ty CP Xây dựng Faros lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, các bị can đề nghị đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng Faros trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để bán và chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên chưa tới hai năm sau đó, từ 2014 - 2016 ông Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros. Thời gian này, thực tế các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vốn điều lệ vào Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros. Cơ quan điều tra cáo buộc khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, ông Quyết đã bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng là tiền của các nhà đầu tư. Ông Trịnh Văn Quyết bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, vừa là người thực hiện. |