Thứ hai 23/12/2024 12:15

TPHCM triệt để tận dụng cơ chế đặc thù, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển KTXH

TP.HCM triển khai đồng bộ,tận dụng các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội để đạt được các mục tiêu đề ra,sẵn sàng về đích trong năm 2025.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, năm 2024 là năm tăng tốc để về đích. Ngay từ đầu năm, Thành phố đã triển khai đồng bộ, tổng hợp các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung chuyển đổi số và hiện thực hóa, triệt để tận dụng các cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hộinhằm đạt được các mục tiêu đề ra, sẵn sàng về đích trong năm 2025.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tin tưởng rằng sẽ TP.HCM đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2024 - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Trước thềm Xuân Giáp Thìn 2024, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đã có buổi trao đổi với báo chí về các giải pháp thực hiện mục tiêu nói trên.

Thưa ông, năm 2024, TPHCM đặt chỉ tiêu tăng trưởng khá cao, từ 7,5-8%. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, Thành phố có kế hoạch gì để đạt mức tăng trưởng này?

Ông Phan Văn Mãi: Quả thật, đây là một chỉ tiêu rất thách thức, tuy nhiên Thành phố quyết tâm thực hiện bởi chỉ tiêu này phù hợp với định hướng trong Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM và Nghị quyết 24 về phát triển Đông Nam Bộ mà Bộ Chính trị đề ra.

Để đạt được chỉ tiêu này, Thành phố đã xây dựng kịch bản tăng trưởng hằng quý và ngay từ đầu năm, chúng tôi đã triển khai các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng cơ bản về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu thì Thành phố đã chú ý đến các động lực tăng trưởng mới thông qua việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng như triển khai các biện pháp thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới để thu hút đầu tư xã hội nhiều hơn vào hạ tầng, vào khoa học công nghệ cũng như phát triển đầu tư chiến lược, phát triển tiêu dùng theo hình thức mới.

"Năm 2024 là năm tăng tốc để về đích. Tôi mong muốn bà con Thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tiếp tục phát huy các kết quả của năm 2023, đoàn kết, năng động, sáng tạo để tập trung triển khai nhiệm vụ ngay từ ngày đầu, tháng đầu, thực hiện đạt và vượt những chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 để chúng ta tiếp tục đưa Thành phố phát triển, sẵn sàng về đích trong năm 2025", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh thông điệp đầu Xuân tới người dân và doanh nghiệp Thành phố.

Với kết quả này, trong tháng 1 năm 2024, so với cùng kỳ năm trước, chúng tôi thấy các chỉ số cơ bản đều tăng: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,9%; doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 24,4%; xuất nhập khẩu tăng 23,3%; giải ngân vốn đầu tư công tăng 3,2 lần. Nhờ vậy mà thu ngân sách Thành phố đạt được 16,7% so với dự toán kế hoạch.

Thành phố sẽ thường xuyên cập nhật các kịch bản tăng trưởng để bổ sung các biện pháp và xây dựng kịch bản theo tháng đối với một số nội dung trọng tâm để việc điều hành được sát sao, hiệu quả, cố gắng duy trì tăng trưởng cao. Tôi tin tưởng rằng TPHCM sẽ đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2024.

Càng có cơ sở hơn để tin tưởng vào mục tiêu này của thành phố khi nhìn vào tình hình chung của cả nước, trên nền tảng khá vững chắc của năm 2023 và những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm 2024. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tới thành phố, khi đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội và quyết liệt đôn đốc các nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết.

Hai xung lực để TPHCM bứt phá

"Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội" là chủ đề năm 2024 mà chính quyền Thành phố đã chọn. Đây được xem là 2 xung lực để kinh tế TPHCM bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024. Xin ông cho biết thêm về 2 xung lực này?

Ông Phan Văn Mãi: Về chuyển đổi số, chúng tôi sẽ tập trung cả chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thành phố quyết tâm sẽ tạo ra một bước tiến mới, tạo những nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.

Ông Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM sẽ tập trung thực hiện chủ đề năm 2024 một cách hiệu quả nhất - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung của Thành phố kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trong năm 2024, Thành phố sẽ tập trung phát triển cơ sở dữ liệu về đất đai, xây dựng cũng như phát huy cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06.

Thứ hai, Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng cơ sở cũng như tăng cường đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan để đảm bảo vận hành thông suốt.

Thứ ba là sẽ phát triển đồng bộ các nền tảng ứng dụng dùng chung toàn Thành phố. Trong năm 2024, Thành phố sẽ vận hành nền tảng Quản trị thực thi của chính quyền thành phố cũng như app Công dân – là kênh giao tiếp giữa công dân, tổ chức với chính quyền.

Thứ tư, chúng tôi sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực trước mắt và lâu dài cho các cơ quan, doanh nghiệp và kể cả xã hội.

Thứ năm, sẽ nghiên cứu ban hành một số chính sách để hỗ trợ cho công tác chuyển đổi số của Thành phố như hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới và thu hút đầu tư xã hội cho công tác chuyển đổi số của Thành phố cũng như phát triển thành phố thông minh.

Cuối cùng, chúng tôi sẽ phát huy hoạt động của Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố vừa thành lập. Đây sẽ công cụ mạnh giúp cho công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Về thực hiện Nghị quyết 98, Thành phố sẽ tiếp tục đeo bám để hoàn thiện thể chế hóa các nội dung cơ chế, chính sách chậm nhất là trong quý I/2024, đồng thời tập trung triển khai các nội dung đã có trong các văn bản cụ thể hóa.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung các cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch, đầu tư; triển khai các dự án đầu tư theo các hình thức như BT, BOT, PPP trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao.

Đồng thời, triển khai các nội dung cơ chế, chính sách về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khó như TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), thị trường tín chỉ carbon.

Nghiên cứu đề xuất các cơ chế mới cho Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM cũng như đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035 và các nhiệm vụ phát triển hạ tầng cần huy động nguồn vốn lớn.

Thành phố cũng sẽ nghiên cứu kỹ Nghị quyết 98 cùng với Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ để có thể vận dụng, đề xuất, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài nhiều năm nhằm tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy cho sự phát triển của Thành phố.

Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024, được TPHCM tổ chức ngay từ những ngày đầu năm - Ảnh: VGP

Triển khai tổng hợp các biện pháp giải ngân đầu tư công

Năm 2024, TPHCM được giao số vốn đầu tư công cao kỷ lục với 80.000 tỷ đồng. Thành phố đã chuẩn bị cho công tác này như thế nào?

Ông Phan Văn Mãi: Năm 2024, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của Thành phố rất nặng nề, đến 80.000 tỷ đồng. Nếu so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Thành phố năm 2023 là 370.000 tỷ đồng thì con số này chiếm tới 21,6%, là khối lượng rất lớn.

Cho đến giờ này, chúng tôi đã có quyết định giao vốn cho tất cả chủ đầu tư. Thành phố cũng đã tổ chức hội nghị triển khai giải ngân đầu tư công năm 2024 và vào tuần lễ đầu tiên sau nghỉ Tết, chúng tôi sẽ tiến hành giao ban lần đầu tiên của năm đề cập nhật việc triển khai công tác này. Chúng tôi thấy rằng việc triển khai khá chủ động, kết quả của tháng 1 giải ngân gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2023 đã phản ánh điều đó.

Ở đây, Thành phố xác định mấy vấn đề. Thứ nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải lên kế hoạch giải ngân vốn cho tất cả số vốn được giao, cho từng dự án và phải theo sát để kịp thời phối hợp, tháo gỡ và kịp thời báo cáo khi có những tình huống điều chỉnh vốn.

Thứ hai là trách nhiệm của các sở, ngành. Sở, ngành phải có trách nhiệm trong quá trình thẩm định, cho ý kiến, trong quá trình phối hợp để giải quyết các vướng mắc phát sinh. Ở đây, chúng ta đặt ra mục tiêu là thời gian giải quyết các vướng mắc do thủ tục của đầu tư công phải giảm 30% so với quy định chung.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tạo ra một bước tiến mới, tạo những nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh

Đối với trách nhiệm của các đơn vị có liên quan như nhà thầu, các đơn vị tư vấn thì chúng tôi sẽ theo sát và làm việc thường xuyên, kịp thời xử lý nếu có những trường hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Đây là trách nhiệm của các quận, huyện nhưng chúng tôi cũng xác định cần có sự phối hợp của các chủ đầu tư và sự tháo gỡ của các sở, ngành. Thành phố đã thành lập Tổ công tác về giải phóng mặt bằng, giao Tổ theo sát nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, nếu có vướng mắc thì sẽ phối hợp để cùng tháo gỡ.

Về công tác điều hành vốn, Thành phố sẽ theo sát kế hoạch để có sự điều chỉnh khi cần thiết. Nếu dự án nào không kịp thời giải ngân, Thành phố sẽ điều chỉnh vốn kịp thời. Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, các ban quản lý dự án, các địa phương chuẩn bị sẵn các dự án trong trung hạn để kịp thời thay thế khi có nhu cầu điều chỉnh vốn. Cơ quan thường trực theo dõi công tác giải ngân đầu tư công là Sở KH&ĐT sẽ trực tiếp phụ trách nhiệm vụ này và có đề xuất với UBND Thành phố.

Thành phố cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát sự phân cấp, ủy quyền và kể cả xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công.

Đó là các biện pháp tổng hợp mà Thành phố tập trung thực hiện ngay từ đầu năm với quyết tâm trong năm nay sẽ giải ngân đạt kết quả cao nhất số vốn 80.000 tỷ đồng được giao.

Ông Phan Văn Mãi chủ trì cuộc gặp gỡ với các tổ chức, công ty tài chính quốc tế bên lề Hội nghị kêu gọi đầu tư cho tăng trưởng xanh Thành phố, diễn ra trong những ngày cuối tháng 1/2024 - Ảnh: VGP

Tập trung xanh hóa nền kinh tế

Năm 2024 cũng là năm mà Thành phố chính thức bước vào một hành trình xanh hóa nền kinh tế với mục tiêu đến năm 2030, sẽ giảm 10% phát thải. Mục tiêu này có quá tham vọng không và Thành phố sẽ làm những gì để hiện thực hóa mục tiêu này, thưa ông?

Ông Phan Văn Mãi: Xu hướng phát triển xanh là một xu hướng mà thế giới đang chuyển đổi và cũng là tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Từ tháng 10 năm 2020, Thành phố đã ban hành Kế hoạch gồm 56 chương trình

và 30 dự án nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải. Thành phố đang thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án này.

Vừa qua, Thành phố cũng đã ban hành Khung chiến lược về tăng trưởng xanh đến năm 2030. UBND Thành phố đang hoàn thiện để trình HĐND Thành phố ban hành Khung chính sách tăng trưởng xanh Thành phố vào kỳ họp giữa năm 2024.

Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung để giảm phát thải thông qua giao thông, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, chuyển đổi các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; giảm phát thải thông qua sản xuất bằng cách chuyển đổi công nghệ sản xuất, phát triển kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải thông qua các hành vi như xây dựng xanh, du lịch xanh, tiêu dùng xanh.

Thành phố cũng sẽ tập trung cho việc chuyển đổi năng lượng, hướng tới sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, đầu tư để giải quyết các vấn đề về xử lý nước thải, rác thải, xử lý tiết kiệm các nguồn đầu vào cho quá trình sản xuất và sinh hoạt của Thành phố.

Đây là một việc rất lớn, cần thời gian, nguồn lực và tất nhiên cần sự đồng hành của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi rất mong muốn bên cạnh những chính sách của nhà nước và của Thành phố thì các doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư, người dân cũng phải thay đổi nhận thức, hành vi trong quá trình chuyển đổi xanh.

Thành phố cũng mong muốn được hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh được diễn ra nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo baochinhphu.vn
Bài viết cùng chủ đề: Thành phố Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông hướng về Nam Trung Bộ và Tây nguyên

Dự báo thời tiết hôm nay 23/12/2024: Bắc Bộ trời hanh khô, Nam Bộ có mưa

Công đoàn Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh tặng quà nhân ngày 22/12

Bộ Y tế thông tin về loại sữa nhiễm chất tẩy rửa ở Hàn Quốc

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Hải quân Việt Nam và Campuchia tuần tra chung lần thứ 77

Hơn 260.000 lượt khách tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Áp thấp nhiệt đới hướng về quần đảo Trường Sa, miền Trung mưa lớn

TP. Hải Phòng chi 4.000 tỷ đồng cho thu nhập tăng thêm đối với công chức trong 3 năm

Hàng chục nghìn người dân nhận thẻ đi tuyến số 1 metro VikkiGO miễn phí

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại

Trung đoàn 451: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân

Tìm ra quán quân Cuộc thi Innovation and Development 2024 - The Future of Food

Dự báo thời tiết biển hôm nay 22/12/2024: Quần đảo Hoàng Sa biển động mạnh

Dự báo thời tiết hôm nay 22/12/2024: Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, Trung Bộ có mưa

Nhiều địa phương tích cực triển khai Kế hoạch hành động CBRN

Bộ Nội vụ: Hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật trong năm 2024

Tinh gọn bộ máy là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức tìm kiếm việc làm phù hợp năng lực

Chợ truyền thống Hà Nội: Nơi tấp nập - chốn vắng khách

Bộ Nội vụ thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương năm 2024