TP. Hồ Chí Minh ưu tiên hợp tác các lĩnh vực lợi thế với các tỉnh Đông Nam bộ
Triển khai nhiều chương trình hợp tác toàn diện
Sáng 18/3, diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, tại tỉnh Bình Phước.
Đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ, sáng 18/2/2023 tại tỉnh Bình Phước |
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương), Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An cùng cộng đồng doanh nghiệp tham dự.
Vùng Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng yếu, năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển; đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước, góp phần vô cùng quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh vùng Đông Nam bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác toàn diện để phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ đối ngoạ. Qua đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của cả nước.
Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, phát biểu chào mừng hội nghị |
Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ để đánh giá tình hình hợp tác thời gian qua và đề xuất các phương hướng tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - khẳng định: Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.
Đối với tỉnh Bình Phước, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đó, đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký gần 20 nghìn tỷ đồng. Từ đó, có thể khẳng định, Chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh rất có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh |
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh – nhấn mạnh: Các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Đông Nam bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: Công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, đầu tư bất động sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội...
Lãnh đạo các cấp TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Vùng Đông Nam bộ tới đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành của các địa phương đã tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc trao đổi, hỗ trợ cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và các công tác chuyên ngành khác. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực…
Nâng cao hiệu quả hợp tác
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận: Chương trình hợp tác vẫn còn một số hạn chế nhất định, hiện tại, phần lớn cơ chế hợp tác giữa hai địa phương chủ yếu là sự hỗ trợ một chiều của TP. Hồ Chí Minh dành cho các tỉnh trong vùng; các kết quả hợp tác kinh tế - xã hội chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực đầu tư xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm trong khuôn khổ hội nghị tổng kết |
Mặt khác, qua thời gian triển khai các chương trình hợp tác, một số hoạt động chưa có chiều sâu. Đặc biệt, một số chương trình hợp tác chưa đi vào trọng tâm, nội dung một vài chương trình hợp tác triển khai dàn trải chưa có sự đột phá dẫn đến không tận dụng được thế mạnh của từng bên…
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc liên kết phát triển Vùng phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP. Hồ Chí Minh, cung như phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng.
Do đó, việc hợp tác trong thời gian tới giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng sẵn có, phát huy lợi thế của các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững của từng địa phương, Vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Cùng với đó, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên. Đồng thời, trao đổi kinh nghiệm về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa của từng địa phương.
Việc liên kết, hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ cũng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trịvề phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm.
Sau hội nghị, TP. Hồ Chí Minh sẽ ký biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bọ đến năm 2025 trên các lĩnh vực trọng tâm: Về cơ chế điều phối phát triển vùng, quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, môi trường, chuyển đổi số. phát triển nguồn nhân lực...
Trước đó, vào chiều 17/3, trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bô, UBND tỉnh Bình Phước đăng cai tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp phân phối TP. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đông Nam bộ
Cũng trong khuôn khổ hội nghị kết nối giao thương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm tham gia kết nối với các nhà phân phối TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 33 biên bản ghi nhớ được ký kết tại hội giữa các tỉnh trong vùng với các nhà phân phối tại TP. Hồ Chí Minh tại hội nghị.