TP. Hồ Chí Minh: Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và 4 lần lùi tiến độ
Dự kiến cuối năm 2024 vận hành
Theo kế hoạch, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ có 7 đoàn tàu, dự kiến được vận hành vào tháng 7/2024.
Tuy nhiên, mới đây ông Yamada Takio - Đại Sứ Đặc mệnh và Toàn quyền /chu-de/nhat-ban.topic tại Việt Nam đã có công hàm gửi Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phản hồi nội dung về tiến độ và một số vướng mắc tại dự án này.
Trong đó, nội dung Công hàm, Ngài Đại sứ Nhật Bản cho rằng, Dự án tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là một biểu tượng rất có ý nghĩa cho mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai quốc gia và việc hoàn thành đưa vào vận hành dự án này sẽ là cột mốc đặc biệt trong quá trình phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thêm một lần lỡ hẹn vận hành chính thức - (Ảnh: Sỹ Đồng). |
Tuy nhiên, khi đích thân Đại sứ đã gặp và trao đổi với lãnh đạo Công ty Hitachi ở Tokyo, lãnh đạo các nhà thầu, tư vấn của Nhật Bản xây dựng tuyến Metro số 1 và các bên cũng đều có nhận thức chung nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, tìm cách tháo gỡ khó khăn vướng mắc bên cạnh phải bảo đảm chất lượng và an toàn cao nhất cho dự án.
Ngài Đại sứ cũng cung cấp đến tiến độ của dự án. Cụ thể, dự kiến đến tháng 7/2024 sẽ tiến hành công tác thử nghiệm mới hoàn thành; tháng 8 và 9/2024, thực hiện công tác đào tạo. Đến tháng 10 và 11/2024, sẽ tiến hành công tác vận hành khai thác thử (trial run). Đầu tháng 12/2024 sẽ bàn giao cho phía Việt Nam để phục vụ công tác nghiệm thu, thẩm định cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ngài Đại sứ cũng đề nghị phía Việt Nam các vướng mắc tồn tại nhiều năm nay liên quan đến tranh cãi về điều khoản hợp đồng và việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, đề nghị thành phố cho sớm thành lập Ban xử lý hòa giải tranh chấp (DAB), cũng như đề nghị hỗ trợ bổ sung một số khoản chi phí phát sinh cho các nhà thầu.
Metro số 1 trải qua 4 lần trễ hẹn và đội vốn
Theo đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được UBND TP. Hồ Chí Minh duyệt dự án vào năm 2007, có tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng, thuộc nhóm A, không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương.
Tuy nhiên, năm 2008, liên danh NJPT (gồm các công ty tư vấn Nhật Bản, đứng đầu là Công ty Nippon Koei) đã nghiên cứu và khẳng định các thiết kế ban đầu như nhà ga, số lượng các đoàn tàu,... là chưa phù hợp. Sau đó, NJPT thiết kế lại và đề xuất tổng mức đầu tư là 47.000 tỉ đồng.
Người dân TP. Hồ Chí Minh mòn mỏi đợi ngày tuyến Metro số 1 vận hành thương mại - (Ảnh: Sỹ Đồng). |
Đến năm 2012, dự án này khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành năm 2017, đưa vào vận hành khai thác năm 2018. Tuy nhiên, đến năm năm 2019 (7 năm sau khởi công), dự án này lại một lần nữa điều chỉnh tổng mức đầu tư giảm còn 43.757 tỷ đồng và quyết định lùi ngày hoàn thành, đưa vào khai thác đến quý IV/2022.
Đến tháng 4/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, lùi thời gian hoàn thành tuyến Metro số 1 đến cuối quý IV/2023, cam kết không phát sinh chi phí.
Đến tháng 10/2023, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh (MAUR - chủ đầu tư) tiếp tục xin gia hạn thời gian thi công sang năm 2024 và đặt mục tiêu khai thác thương mại vào tháng 7/2024, dù dự án đạt gần 96,% khối lượng công việc.
Theo MAUR giải thích, đề xuất điều chỉnh này phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng và phê duyệt của UBND thành phố về thời gian thông báo khiếm khuyết (từ năm 2024 - 2025), hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng (từ năm 2024-2028).
Và đến nay, MAUR xác định không thể vận hành vào tháng 7 mà phải chuyển sang quý IV/2024.