Trong năm 2018, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức siết chặt quản lý mặt hàng hóa chất và sớm hình thành trung tâm kinh doanh hóa chất tập trung. Tuy nhiên, tiến độ vẫn còn chậm, hiện trung tâm vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng trong khi đó tình trạng buôn bán hóa chất vẫn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, trong năm 2018, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh đã xử lý 55 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hóa chất. Tạm giữ 5,23 tấn hóa chất công nghiệp và 2.870 lít hương liệu công nghiệp, chất tẩy rửa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa hết hạn sử dụng bị tạm giữ 1,4 tấn và 4.240 lít hóa chất công nghiệp. Hóa chất nhập khẩu không có nhãn phụ, không có nhãn hàng hóa, nhãn hàng hóa không ghi rõ nội dung bắt buộc đã bị tạm giữ 715,25 tấn và 24.012 đơn vị sản phẩm hóa chất công nghiệp. Cục QLTT thành phố đã phạt tiền hơn 910 triệu đồng, buộc tiêu hủy 4,4 tấn và 4.600 lít hóa chất công nghiệp. Trong hai tháng đầu năm 2019, Cục QLTT thành phố đã xử lý 6 vụ vi phạm, tạm giữ 400kg hóa chất chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ và 3.510kg hợp chất nhựa polyisocyanate do Trung Quốc sản xuất không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động hóa chất công nghiệp, hóa chất nguy hiểm trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019, đoàn kiểm tra của các quận, huyện đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 22 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 343 triệu đồng. Cục QLTT thành phố xử lý 21 cơ sở vi phạm, phạt tiền 286 triệu đồng. Thanh tra Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh xử lý 25 đơn vị vi phạm, phạt tiền 295 triệu đồng.
Qua kiểm tra thực tế, Thanh tra Sở Công Thương thành phố còn phát hiện một số doanh nghiệp có kho chứa hóa chất nguy hiểm (hóa chất độc, ăn mòn, dễ cháy...) hoạt động xen cài trong khu dân cư, một số kho chứa hóa chất chưa đảm bảo điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ và chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về công trình phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Hóa chất nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng được Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh xử lý |
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính quyền TP, ngành Công thương đã triển khai hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có đăng ký ngành nghề sản xuất, kinh doanh hóa chất thực hiện các thủ tục quy định sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc UBND quận huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đến nay, Sở Công Thương đã tiếp nhận 103 lượt hồ sơ, xem xét giải quyết cấp đúng hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất cho 37 đơn vị và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và khắc phục các điều kiện kinh doanh theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương chủ động xây dựng, tổng hợp cơ sơ dữ liệu, cập nhật đầy đủ thông tin về địa điểm kinh doanh, diện tích kho chứa hóa chất, quy mô các loại hóa chất kinh doanh trên địa bàn nhằm kịp thời trích xuất dữ liệu phục vụ công tác tổng hợp, thanh kiểm tra thường xuyên và đột xuất.
Nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh hóa chất nhập lậu, hóa chất nguy hại, phòng chống cháy nổ, từ đầu năm 2018 đến nay, ngoài tổ chức hàng chục đợt tập huấn cho người kinh doanh hóa chất, ngành công thương thành phố còn tập huấn về thi hành Luật Hóa chất cho hơn 400 doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động hóa chất tại các khu chế xuất và công nghiệp.
Trên địa bàn thành phố hiện có 638 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và 248 doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất. Về hóa chất công nghiệp, hiện có khoảng 400 cơ sở đang hoạt động, tập trung tại các quận 5, 10, 11, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình. Trung tâm kinh doanh hương liệu - hóa chất tập trung của thành phố được xây dựng tại phường 7, quận 8 để di dời các cơ sở kinh doanh, kho chứa hóa chất nguy hiểm ra khỏi nội thành và dễ dàng trong khâu quản lý. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và tìm kiếm nhà đầu tư xây trung tâm. Theo thiết kế, Trung tâm kinh doanh hương liệu - hóa chất là một khu phức hợp hiện đại, đủ công năng phục vụ cho nhu cầu bán sỉ và bán lẻ hương liệu, hóa chất, có kho chứa và hình thành sàn giao dịch mua bán hóa chất. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án dự kiến hơn 1.351 tỷ đồng, gồm cả các chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời các cơ sở kinh doanh từ nội thành vào trung tâm khi nó hoàn thành.
Ông Ngô Hồng Y - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn, môi trường Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, vẫn còn xẩy ra nhiều sai phạm trong sản xuất kinh doanh là do tình trạng các doanh nghiệp có văn phòng đại diện hoặc cửa hàng kinh doanh đặt tại thành phố nhưng nhà máy sản xuất lại nằm ở địa phương khác dẫn đến việc quản lý, kiểm tra về điều kiện kinh doanh, tuân thủ các quy định của pháp luật gặp nhiều khó khăn.