TP. Hồ Chí Minh: Thực hiện 10 giải pháp phục hồi kinh tế nhanh và bền vững
Việc thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, đã tác động rất lớn đến sự tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh. Trong quý 1/2020, tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) chỉ đạt mức tăng trưởng 0,42% so cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, sự tăng trưởng chậm lại của TP. Hồ Chí Minh sẽ có tác động lớn đến sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Do đó, TP cần tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và vực dậy sự phát triển kinh tế của TP là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện 10 giải pháp phục hồi kinh tế nhanh và bền vững trong tương lai, tại buổi tọa đàm “Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2020” - ảnh Trung tâm báo chí |
Hiện TP. Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức đang nổi lên như vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thị trường xuất nhập khẩu sẽ phải làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa sau dịch; có nên mở cửa để phát triển du lịch quốc tế và thời điểm nào là thích hợp; giải pháp nào hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo ổn định kinh tế, trong điều kiện phải thực hiện “mục tiêu kép” như hiện nay…
Để đảm bảo kinh tế TP. Hồ Chí Minh được khôi phục nhanh và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị TP thực hiện 10 giải pháp phục hồi kinh tế nhanh trong giai đoạn hiện nay và phát triển bền vững trong tương lai.
Đầu tiên, TP cần thực hiện phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, thực hiện phòng dịch với các cá nhân, doanh nghiệp (DN), trường học, cộng đồng, dịch vụ... đông thời phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.
Cùng với đó có chính sách khuyến khích sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường nội địa, khai thác nhu cầu của 100 triệu dân cả nước, trong đó có du lịch nội địa, ăn uống, vui chơi, giải trí mà không chờ nước ngoài khỏi dịch bệnh. Thứ 2, trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, trước tiên phải thực hiện các giải pháp ngăn chặn phá sản của DN. Trong đó, TP phải triển khai nhanh giải pháp hỗ trợ DN như: Hỗ trợ DN không mất lao động, bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động từ 2 đến 4 tháng. Hiện nay DN phải chịu nhiều gánh nặng về chi phí thuê nhà xưởng, lãi vay ngân hàng… nên cần có sự hỗ trợ để đảm bảo tính thanh khoản của DN, thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm để tạo thuận lợi cho DN.Tuy nhiên DN phải cam kết về tính chính xác khi kê khai.
Tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phục hồi và vực dậy sự phát triển kinh tế của TP là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay |
Thứ ba, thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.
Thứ tư, dự báo kịp thời, phối hợp các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp từ tháng 5 đến tháng 12/2020.
Thứ năm, nhanh chóng thúc đẩy số hóa tài nguyên của các DN, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng và triển khai quản trị thông minh ở các DN, cơ quan quản lý nhà nước.
Tiếp theo, triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.
Thứ bảy, đẩy mạnh đầu tư xây dựng khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2; phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP, đồng thời đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thứ tám, cầu thực hiện nhanh giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vượt qua thách thức lớn hiện nay.
Thứ chín, hỗ trợ đẩy mạnh các chương trình đề án khởi nghiệp sáng tạo.
Cuối cùng, phát huy trí tuệ, nguồn nhân lực của TP. Hồ Chí Minh, cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng các đề án, quy hoạch cụ thể của 3 chương trình đột phá của TP (đổi mới quản lý TP, phát triển hạ tầng TP, phát triển nhân lực và văn hóa TPHCM) và các chương trình trọng điểm giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 để triển khai mạnh mẽ từ năm 2021.