Sự phát triển của thành phố không thể tách rời doanh nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm, TP đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe những đề xuất, hiến kế, giúp TP. Hồ Chí Minh có thể xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời để góp sức cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn dịch bệnh |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của DN và đồng lòng chung sức của người dân, góp phần cùng TP đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhiệm vụ kép được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả.
Theo đó, trong 5 tháng đầu năm, khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận được những tín hiệu khởi sắc về kinh tế. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 5 tháng ước đạt khoảng hơn 456 ngàn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,9%).
Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,4%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống có dấu hiệu phục hồi, tăng 30,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 47,5%). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 19,63 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,3%). Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 174 ngàn tỷ đồng, đạt 47,85% dự toán, tăng 22,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh nhữn những kết quả khởi sắc trên, kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và hiện đang diễn biến phức tạp. “Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4; nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng DN nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Trong đó, có 2.458 DN giải thể, tăng 5% và 9.849 DN tạm ngưng hoạt động, tăng gần 24% so với cùng kỳ 2020.
Theo số liệu theo dõi của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP có 1.365 DN báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân.
Nhiều kiến nghị và gải pháp tháo gỡ khó khăn cấp bách cho doanh nghiệp
Tại hội nghị đã có 17 kiến nghị, hiến kế của hiệp hội doanh nghiêp, ngành hàng, doanh nghiệp với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh về các chính sách giảm thuế, nợ, chi phí, giảm lãi vay, chăm lo đời sống cho người lao động… Đặc biệt, các đại biểu đều mong muốn có nguồn vắc xin để tiêm cho công nhân, người lao động trong các DN, nhằm đảm bảo duy trì, không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA), kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn |
Hiện nay, nhằm nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là những DN sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu, tại hội nghị ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA)- cho biết, từ đầu năm đến nay giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh khiến DN trong ngành đã khó vì Covid 19 nay càng khó hơn. Đồng thời, các DN đang phải gánh chi phí cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tăng cao gấp 2 - 3 lần so với điều kiện sản xuất bình thường. Ngoài ra, DN của FFA cũng gặp rất khó khăn, bất cập trong việc vận chuyển, phân phối hàng hóa hiện nay…
Do đó, Phó Chủ tịch FFA, kiến nghị TP gấp rút triển khai các giải cấp bách, cụ thể như: Đề nghị TP chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và lực lượng kiểm tra các chốt tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu từ nơi sản xuất, kho hàng đến điểm bán hàng bình ổn thị trường, khu cách ly tập trung, khu dân cư bị cách ly, bệnh viện… trong mọi tình huống. Đồng thời, đề nghị TP sớm có văn bản trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải, nhằm tháo gỡ ngay khó khăn này cho DN, đảm bảo cho hoạt động lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Bên cạnh đó, FFA cũng đề nghị TP nghiên cứu, chủ động nguồn vắc xin Covid nhằm sớm triển khai tiêm diện rộng cho người lao động, nhất là tại các khu cụm công nghiệp trọng yếu của TP - nơi có nguy cơ cao và là huyết mạch sống còn của nền kinh tế. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, ngoài lực lượng của DN, rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm về các vấn đề liên quan đến y tế, vệ sinh, phun khử khuẩn...
Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) - cho biết vừa qua, HUBA đã khảo sát nhanh trên 100 DN, cho thấy trên 84% các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn do bùng phát dịch lần thứ 4. Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021/NĐ-CP; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các DN gặp phải.
Về phía ngân hàng, đề nghị tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho DN sản xuất bớt khó khăn.
TP. Hồ Chí Minh cần sớm ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các DN bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ. Đồng thời, hỗ trợ các DN phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì SX do chấp hành các quy định cách ly xã hội; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội nghị |
Ở góc độ chính quyền, để tiếp tục hỗ trợ DN hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh,TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ nghị Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi DN tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước.
Về tài chính, TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ của DN theo quy định.
Bên cạnh đó, TP cũng kiến nghị xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp.
Tại hội nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận toàn bộ các kiến nghị, khó khăn vướng mắc cũng như hiến kế của các hiệp hội doanh nghiêp, ngành hàng, doanh nghiệp trong việc thực hiện mục tiêu kép. Đồng thời giúp cho chính quyền TP nhìn nhận rõ hơn những khó khăn vướng mắc, những ảnh hưởng nặng nè do dịch Covid-19 gây ra cho qua trình hoạt động sản xuất kinh doanh cho các DN hoạt động trên địa bàn TP thời gian vừa qua. “TP. Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng các DN, tổ chức và người lao động, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất và sẵn sàng hỗ trợ DN trong những lúc khó khăn bằng những hành động cụ thể và chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, kịp thời. Qua đó đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng DN đã và đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2021 của Chính phủ).