TP. Hồ Chí Minh: Kiên quyết dừng ngay tất cả các điểm kinh doanh, chợ tự phát
Kiên quyết dừng ngày tất cả điểm kinh doanh, chợ tự phát
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND TP tại Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/6/2021 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời nhằm đảm bảo việc cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân được liên tục, xuyên suốt, không bị gián đoạn và không gây ùn ứ, tập trung đông người, ảnh hưởng hiệu quả triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, DN Bình ổn thị trường, cửa hàng kinh doanh hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP thực hiện khẩn trương, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Kiên quyết dừng ngay tất cả các điểm kinh doanh, chợ tự phát trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Cụ thể, Sở đề nghị TP. Thủ Đức và các quận huyện chỉ đạo, các đơn vị quản lý chợ siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế. Đồng thời đảm bảo xử lý triệt để, không để xảy ra tình trạng tụ tập, kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung đã được triển khai của Sở Công Thương về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn, đơn vị có liên quan hỗ trợ chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức các chốt kiểm dịch tại chợ. Thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên đối với khách đến chợ, đồng thời phun xịt khử khuẩn cho khuôn viên chợ, đo thân nhiệt, khai báo y tế, phân luồng di chuyển một chiều cho thương nhân, người lao động và người đến mua hàng tại chợ và tăng cường thiện nghiêm việc xử phạt các trường họp vi phạm quy định phòng, chống dịch tại chợ như: không đeo khẩu trang, đeo khẩu trang không đúng quy định, không thực hiện khai báo y tế...
Đặc biệt, Sở Công Thương TP, đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện tổ chức triển khai, kiên quyết dừng ngay tất cả các hoạt động, điểm kinh doanh, chợ tự phát trên địa bàn. Đảm bảo xử lý triệt để, không để xảy ra tình trạng tụ tập, kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường khu vực xung quanh các chợ đầu mối theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP.
Ngoài ra, các chợ phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn tại chợ trong công tác phòng chống dịch. Phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ của chợ để tập trung nhân lực kiểm soát khu vực cửa chính nhằm đảm bảo việc giám sát thương nhân, người lao động và khách ra vào chợ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Sở Công Thương cho phép các khu vực kinh doanh lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm trong các chợ truyền thống được hoạt động, nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, các khu vực kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ được hoạt động, tuyệt đối không được phục vụ tại chỗ, chỉ áp dụng hình thức bán hàng mang về, đặt hàng trực tuyến. Người giao hàng phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch, bắt buộc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu từ 1,5 mét trong khi chờ lấy hàng. Đáng chú ý, các khu vực kinh doanh dịch vụ ngoài các loại hình trên không được phép mở cửa hoạt động.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Công Thương tại các quận Gò Vấp, quận 12, huyện Hóc Môn trong ngày 22/6, các địa phương thực đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương về dừng tất cả các điểm kinh doanh, chợ tự phát trên địa bàn quản lý.
Khuyến khích bán hàng trực tuyến, qua điện thoại
Hiện TP. Hồ Chí Minh có 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, đáp ứng khoảng 70% về lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân toàn thành phố, nhằm bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh.
Các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi khuyến khích khách hàng mua hàng trực tuyến, qua điện thoại nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tránh tập trung đông người khi mua sắm trong mùa dịch |
Do đó, Sở Công Thương TP cũng đề nghị các đơn vị quản lý các chợ đầu mối rà soát, triển khai các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ đầu mối nhằm chủ động ứng phó với tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Đồng thời, rà soát, bố trí khu vực tập trung hàng hóa tạm thời, phân luồng di chuyển đối với phương tiện, hàng hóa trong trường hợp có các tình huống phải cách ly, cô lập tạm thời một số khu vực trong chợ.
Khuyến khích các chợ đầu mối trang bị các phương tiện, máy móc, công cụ hỗ trợ để góp phần thực hiện tốt công tác sàng lọc, phòng chống dịch như bố trí máy quét tự động đo thân nhiệt từ xa tại các cổng chính vào chợ, tăng cường bổ sung hệ thống giám sát bằng camera trong chợ. Tổ chức kiểm tra đảm bảo việc triển khai thực hiện ghi nhật ký bán hàng tại chợ được thực hiện nghiêm túc để phục vụ công tác truy vết khi cần thiết.
Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị quản lý chợ đầu mối nghiên cứu, khuyến khích các thương nhân tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ... và các hình thức phù họp khác để hạn chế tình trạng tập trung đông người tại chợ.
Tương tự tại các chợ truyền thống, Sở cũng khuyến khích thương nhân, tiểu thương tổ chức bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, thông qua các kênh mạng xã hội như: zalo, viber, facebook..., chuyển hàng trực tiếp đến các địa điểm tiêu thụ... và các hình thức phù họp khác để hạn chế 5 tình trạng tập trung đông người tại chợ.
Đối với siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP, Sở Công Thương yêu cầu tăng cường cung cấp đầy đủ hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng trên quầy kệ. Đồng thời, nghiên cứu, tăng cường hoạt động và có chính sách khuyến khích mua hàng trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân, giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người không cần thiết.
Trước đó, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP và đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 19/6/2021 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).