TP. Hồ Chí Minh: Kéo dài thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý An toàn thực phẩm
Ngày 31/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 333/QĐ-TTg về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh được kéo dài thời gian thí điểm từ ngày 1/4 đến khi Thủ tướng quyết định mô hình hoạt động chính thức.
Nội dung quyết định cũng chỉ rõ, UBND TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với các bộ, ngành trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.
Trước đó, trong tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc thí điểm Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đem đến nhiều kết quả tích cực. Do đó, thành phố đề xuất cơ chế đặc thù về mô hình cơ quan đầu mối quản lý an toàn thực phẩm.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh ra đời năm 2016, có nhiệm vụ giúp thành phố thực thi pháp luật về an toàn, vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh được kéo dài thời gian thí điểm từ ngày 1/4 đến khi Thủ tướng quyết định mô hình hoạt động chính thức. Ảnh minh họa |
Đơn vị quản lý quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng.
Ban cũng quản lý sản xuất, thu gom, giết mổ, chế biến ngũ cốc, thịt, thủy sản, rau củ, quả, trứng, sữa; cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận, xác nhận lĩnh vực an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã phạt 663 cơ sở bán hàng giả, không rõ nguồn gốc với tổng số tiền phạt gần 10 tỷ đồng.