TP. Hồ Chí Minh: Gần 130.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý
Chiều 26/9, tại Trung tâm Báo chí TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tăng Hữu Phong chủ trì họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố tuần qua.
Quán triệt, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó, yêu cầu lực lượng Công an phải “Thực hiện thường xuyên, quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông”.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. Hồ Chí Minh thông tin tại buổi họp báo (Ảnh: TTBC TP.HCM) |
Theo đó, trong 9 tháng năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử phạt 130.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng 1.244 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, góp phần kéo giảm tai nạ giao thông trên địa bàn thành phố, so cùng kỳ giảm 79 vụ TNGT, giảm 167 người chết.
Riêng Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố đã phát hiện, xử lý hơn 72.000 trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn, ma túy.
Trước phản ánh về việc kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan nồng độ cồn tại các tuyến đường trên địa bàn gây ùn tắc giao thông, đại diện Công an TP. Hồ Chí Minh khẳng định, việc lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông (việc đi lại của người dân, gây kẹt xe…).
"Việc dừng phương tiện để kiểm soát, kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông là hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc kiểm soát nồng độ cồn là chuyên đề thường niên của lực lượng Cảnh sát giao thông", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Ngoài ra, việc kiểm soát nồng độ cồn không chỉ kéo giảm tai nạn giao thông, còn để phòng ngừa các loại tội phạm có thể xảy ra sau khi sử dụng rượu bia như: Tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, giết người….