TP. Hồ Chí Minh: Chính thức thông xe cầu Nam Lý từ ngày 2/10
Sáng nay, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã có buổi kiểm tra, đôn đốc thông xe cầu Nam Lý (TP. Thủ Đức).
Báo cáo tại buổi kiểm tra, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố (Ban Giao thông) cho biết, đến nay tiến độ cầu Nam Lý đã đạt hơn 95%. Đội ngũ công nhân, máy móc vẫn đang thực hiện công tác rà lại, dọn dẹp đất ở dưới dạ cầu chuẩn bị đưa cầu Nam Lý vào phục vụ giao thông. Sau khi thông xe sẽ tiếp tục làm đường dân sinh hai bên tuyến và một số hạng mục còn lại, để kết nối đồng bộ dự án trong tháng 12/2024.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Xuân Cường chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp Sở Giao thông vận tải Thành phố hoàn tất khâu chuẩn bị để thông xe cầu Nam Lý vào 7h sáng ngày 2/10.
Cầu Nam Lý sẽ được thông xe từ ngày 2/10 (Ảnh minh họa) |
Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường lưu ý các đơn vị phải chú trọng đến tổ chức giao thông qua khu vực cầu Nam Lý trong quá trình thông xe, sau thông xe cho phù hợp. Đồng thời đẩy nhanh thi công hoàn thiện giai đoạn 2 dự án kể từ ngày thông xe.
Được biết, Dự án xây dựng cầu Nam Lý có vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng ngày 8/10/2016. Tuy nhiên đến tháng 3/2019, dự án phải tạm dừng thi công vì vướng trong công tác giải phóng mặt bằng. Sau 4 năm dừng thi công, tháng 3/2023 dự án khởi động lại sau khi hoàn tất giải phóng mặt bằng.
Cũng tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường yêu cầu Ban Giao thông đẩy nhanh dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Đại diện Ban Giao thông cho biết, vào ngày 4/10 sẽ thông xe nhánh hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Hiện chủ đầu tư cùng các sở ngành liên quan đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, cố gắng hoàn thành đưa vào thông xe nhánh hầm HC2 (hướng từ Khu chế xuất Tân Thuận đi huyện Bình Chánh) vào ngày 4/10 và nhánh hầm HC1 trước ngày 31/12.
Dự án được khởi công vào tháng 4/2020 và vừa thi công vừa đảm bảo việc đi lại liên tục trong một khu vực có mật độ giao thông rất cao. Đặc biệt, công tác di dời - tái lập hệ thống điện cao thế và hệ thống cấp nước mất nhiều thời gian để phối hợp, triển khai.
Ngoài ra mỗi lần mưa lớn, đơn vị phải dừng thi công để dùng máy bơm nước ra khỏi hầm.