TP. Hồ Chí Minh cần tuyển dụng trên 81 ngàn lao động cuối năm
Tại cuộc họp báo định kỳ cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, chiều 30/11, ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh thông tin về việc làm và giải pháp hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tăng Minh - Phó Giám đốc Sở Lao động và Thương binh xã hội TP. Hồ Chí Minh, thông tin về việc làm tại họp báo |
Theo đại diện Sở Lao động và Thương binh xã hội, dự kiến trong quý 4/2023, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 81.172 chỗ làm việc. Trong đó, tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,1%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 27,73% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,17%. Còn lại là ở các nhóm ngành kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm; giáo dục - đào tạo…
Trong đó, nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu cần 15.081 chỗ làm việc, chiếm 18,58% tổng nhu cầu nhân lực quý 4, với ngành cơ khí chiếm 5,79%; ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm 5,79%; ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm chiếm 3,97%; ngành hóa dược - cao su chiếm 3,03%. Còn nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 53.319 chỗ làm việc, chiếm 65,69% tổng nhu cầu, trong đó, ngành thương mại chiếm 30,19%, ngành bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin - truyền thông chiếm 8,17%...
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, nhu cầu nhân lực ở lao động đã qua đào tạo chiếm 87,41% trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 23,21%, cao đẳng chiếm 19,06%, trung cấp chiếm 23,45%. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm doanh nghiệp thường có xu hướng tuyển dụng đối với lực lượng lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ,... nên nhu cầu lao động phổ thông chiếm 12,59%.
Đáng chú ý, nhu cầu tìm việc của người lao động giai đoạn hiện nay tập trung vào các ngành nghề như: Lao động phổ thông, công nhân sản xuất, bán hàng, giao hàng... Nhu cầu tìm kiếm việc làm ở các ngành, nghề trình độ cao thường thấp hơn trong giai đoạn này, do phần lớn người lao động sẽ không chuyển đổi công việc trong giai đoạn cuối năm để nhận được những chế độ phúc lợi dịp Tết Nguyên đán.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm trong thời gian tới, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, tình hình cắt giảm lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ,... Qua đó, phối hợp tổ chức các sàn giao dịch, ngày hội việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động; hỗ trợ người lao động bị mất việc, thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống, kịp thời hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới,....
Cùng với đó, tạo lập cơ sở dữ liệu dự báo thị trường lao động trong những tháng cuối năm để từ đó cung cấp thông tin đến doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm việc; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực, thông tin thị trường lao động giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế…
“Trong năm 2024, sở sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố triển thông tin đăng ký nhu cầu tham gia đào tạo nghề cho người lao động tới doanh nghiệp. Trên cơ sở đăng ký tham gia đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc của các doanh nghiệp, sở sẽ tiến hành đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố” - đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh thông tin.