Tổng thống Putin: Nga sở hữu phương tiện có thể thay thế vũ khí hạt nhân
Bước đi chiến lược của Moscow
Tại cuộc họp Hội đồng Phát triển xã hội dân sự và Nhân quyền Nga diễn ra ngày 10/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng, việc tập trung phát triển hệ thống tên lửa siêu thanh Oreshnik sẽ giúp Nga giảm thiểu tối đa nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh, đây là bước đi quan trọng trong chiến lược quốc phòng hiện đại của Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Theo đài RT, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ rõ quan điểm rằng Moscow không tính siết chặt học thuyết hạt nhân mà thay vào đó, Nga sẽ tập trung nâng cấp những hệ thống tên lửa tiên tiến nhất. “Điều chúng ta cần hiện nay không phải là chỉnh sửa học thuyết hạt nhân mà là nâng cấp hệ thống Oreshnik. Khi sở hữu một lượng đủ các hệ thống hiện đại này, nhu cầu sử dụng vũ khí hạt nhân gần như sẽ không còn”, Tổng thống Putin tuyên bố.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng cảnh báo rằng, việc phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ “thay đổi đáng kể bản chất” của cuộc xung đột. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, những hệ thống vũ khí tiên tiến này không thể hoạt động nếu không có sự tham gia trực tiếp từ nhân sự NATO.
Hồi tháng 11 vừa qua, Nga đã chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Học thuyết sửa đổi quy định rõ, Moscow có quyền triển khai vũ khí hạt nhân nhằm đối phó một cuộc tấn công hạt nhân hoặc quy ước tấn cô̂ng thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Ngoài ra, học thuyết mới củng xác định rõ, nếu Nga bị tấn công từ một quốc gia không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng có sự hậu thuẫn từ một cường quốc hạt nhân thì vẫn coi đó là cuộc tấn công chung.
Kế hoạch triển khai Oreshnik và phản ứng quốc tế
Trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Putin tiết lộ rằng, các tên lửa siêu thanh Oreshnik có thể được triển khai tại Belarus vào nửa cuối năm 2025, tùy thuộc vào tiến độ tích hợp vào lực lượng chiến lược của Nga. Đây được xem là bước đi phản ứng trực tiếp trước kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa tầm trung tại Đức.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga được phóng thử tại một địa điểm không xác định. Ảnh: Sputnik |
Ông Sergey Lagodyuk - Phó Tổng tham mưu trưởng Belarus - khẳng định, quyết định triển khai Oreshnik tại Belarus là cần thiết để duy trì cán cân chiến lược trong khu vực và đối phó với mối đe dọa gia tăng từ NATO. Việc này càng làm nổi bật căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, vốn đã leo thang kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát.
Giới chuyên gia nhận định, việc Nga đẩy mạnh phát triển và triển khai hệ thống tên lửa siêu thanh Oreshnik không chỉ nhằm nâng cao năng lực răn đe quân sự mà còn là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi tới phương Tây. Nga đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân trong chiến lược quốc phòng, đồng thời thể hiện sức mạnh công nghệ quân sự của mình.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, động thái này của Moscow đặt ra nhiều thách thức cho NATO và các quốc gia phương Tây. Oreshnik, với tốc độ và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tối tân, được kỳ vọng sẽ trở thành yếu tố thay đổi cục diện cuộc chạy đua vũ trang trong tương lai gần.