Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Quan chức Ukraine thừa nhận gia nhập NATO “ngoài tầm với”
TASS đưa tin, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Igor Zhovkva mới đây thừa nhận, việc Ukraine gia nhập NATO là "ngoài tầm với" vào lúc này.
“Rõ ràng là tư cách thành viên NATO với chúng tôi là ngoài tầm với, ít nhất là cho đến khi cuộc xung đột vẫn còn diễn ra. Đây không phải là vấn đề của hôm nay hay thậm chí là tương lai gần. Đây là một triển vọng dài hạn. Nhưng nó phải xảy ra", ông Zhovkva cho biết.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục leo thang. Ảnh: RIA |
Tuy nhiên, ông Zhovkva gợi ý, Ukraine có thể chấp nhận mô hình gia nhập được áp dụng cho Thụy Điển và Phần Lan, "những nước đã nhận được lời mời tham gia liên minh", nhưng những lời mời này chỉ có hiệu lực sau khi đáp ứng được một số điều kiện nhất định.
"Đây là một cơ chế tiềm năng để đảm bảo tư cách thành viên NATO của Ukraine. Nếu cơ chế như vậy không khả thi, chúng tôi sẽ theo đuổi các thỏa thuận an ninh song phương", ông Zhovkva nhấn mạnh.
Lầu Năm Góc: Tên lửa Oreshnik không thay đổi tiến trình xung đột
Thứ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng tên lửa Oreshnik của Nga sẽ không có tác động chiến lược đến cuộc xung đột ở Ukraine.
“Chúng tôi đang xem xét và đánh giá vụ phóng Oreshnik của Nga, như trong trường hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal. Chúng tôi không thấy những thay đổi chiến lược trong bối cảnh xung đột ở Ukraine”, bà Hicks trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin TASS.
Theo bà, Washington cũng đang nghiên cứu kỹ các tuyên bố của Tổng thống Putin về vấn đề hạt nhân.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng lên tiếng phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, bao gồm cả Crimea, vì bước đi như vậy được cho là có thể dẫn đến những xung đột mới trên thế giới. Đánh giá về những tiến triển của cuộc chiến ở Ukraine, bà thừa nhận Nga đang “điều chỉnh và cải thiện việc tích hợp tất cả các khả năng chiến đấu”.
Ba Lan: Các cuộc đàm phán có thể bắt đầu vào mùa đông
TASS đưa tin, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine có thể bắt đầu vào mùa đông năm nay. Ba Lan đang lên kế hoạch tổ chức một loạt các cuộc họp và nỗ lực thực hiện vai trò lớn hơn trong việc chấm dứt cuộc xung đột.
Theo ông Tusk, các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể bắt đầu sớm nhất là vào mùa đông năm nay, đồng thời ông lưu ý, Ba Lan sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán như vậy khi nước này đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1/1/2025.
“Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ba Lan sẽ không chỉ tham dự mà còn đóng góp vào những quyết định mang lại an ninh và bảo vệ lợi ích của nước này”, Thủ tướng Ba Lan nhấn mạnh.
Ứng cử viên Thủ tướng Đức nêu điều kiện cung cấp Taurus cho Ukraine
Ứng cử viên cho chức vụ Thủ tướng Đức, Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) Friedrich Merz cho biết, nếu thắng cử, ông sẽ đưa ra quyết định về việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine với sự phối hợp của Mỹ.
“Tôi ủng hộ về việc cung cấp tên lửa tầm xa cùng với Mỹ, không phải riêng, không phải ở Đức, mà cùng với châu Âu và châu Mỹ”, tờ Bild dẫn lời chính trị gia Đức nói.
Ông cũng nói thêm rằng, việc huấn luyện binh sĩ quân đội Ukraine vận hành tên lửa tầm xa Taurus sẽ mất ít nhất 4 tháng khi ông Donald Trump lên nắm quyền ở Mỹ .
Tuần trước, đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức, đảng trước đó đã rời khỏi liên minh cầm quyền, đã đệ trình nghị quyết lên Hạ viện để thảo luận kêu gọi cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine.