Một số diễn biến liên quan đến chiến sự Nga-Ukraine:
Nga “gợi ý” đàm phán giải quyết xung đột
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết, bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đều phải dựa trên các đề xuất mà Tổng thống Putin đã nêu trước đó. Ngoài ra, phương Tây, cùng với chính quyền Kiev, phải chứng minh rằng họ sẵn sàng đàm phán.
"Tuy nhiên, chúng tôi thấy phương Tây thậm chí còn chưa trao đổi với chính quyền Kiev về việc dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với các nhà lãnh đạo Nga. Chúng tôi chưa bao giờ đóng cánh cửa đàm phán và vẫn mở cửa. Chính chính quyền Kiev và phương Tây đang cản trở đối thoại", ông Galuzin nhấn mạnh.
Đa số người Ukraine muốn xung đột với Nga chấm dứt
RIA Novosti dẫn lời một nghị sĩ Ukraine cho biết, đa số người Ukraine muốn xung đột với Nga chấm dứt.
“Hầu hết mọi người ở Ukraine thực sự muốn hòa bình. Việc chấm dứt xung đột là đặc biệt quan trọng đối với cư dân của các thành phố tiền tuyến, chẳng hạn như Kharkov”, nghị sĩ Ukraine nói.
Chiến sự Nga-Ukraine ngày qua tiếp tục diễn biến căng thẳng. Ảnh: RIA |
Ông nhấn mạnh, ông sẵn sàng giúp đạt được thỏa thuận ngừng bắn và tin rằng, các cuộc đàm phán sẽ do Mỹ dẫn đầu. Theo ông, các nhà đàm phán quốc tế, chẳng hạn như từ Vương quốc Anh, nên tham gia vào cuộc họp này, vì Ukraine hiện “không thể nói chuyện với người Nga”.
Ông Zelensky bất ngờ đề xuất đưa quân đội nước ngoài tới Ukraine
Reuters đưa tin, Tổng thống Zelensky đã nêu ý tưởng triển khai quân đội nước ngoài tới đất nước đang có xung đột này cho đến khi Ukraine gia nhập NATO.
Nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra ý tưởng này trong cuộc họp báo chung tại Kiev với lãnh đạo đối lập Đức Friedrich Merz, trong bối cảnh việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng khiến các cuộc thảo luận về khả năng đạt thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến kéo dài với Nga trở nên sôi động hơn.
“Một đội quân từ một nước này hay nước khác có thể hiện diện tại Ukraine trong thời gian Kiev chưa là thành viên NATO. Tuy nhiên, để làm điều đó, chúng tôi cần hiểu rõ về thời điểm Ukraine trở thành thành viên EU và NATO... Ngay cả khi chúng tôi được mời gia nhập NATO, điều gì sẽ xảy ra sau đó? Ai đảm bảo an ninh cho chúng tôi? Chúng tôi có thể cân nhắc và nghiên cứu đề xuất của ông Emmanuel Macron”, ông Zelensky cho hay.
Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng về việc hạ tuổi nhập ngũ ở Ukraine
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Mỹ và các đồng minh sẵn sàng trang bị vũ khí cũng như huấn luyện cho tất cả tân binh nếu độ tuổi nhập ngũ ở Ukraine được hạ xuống.
“Bạn đã nghe Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói về điều này khi chúng tôi ở Brussels vào tuần trước. Cuối cùng, các quyết định về thành phần lực lượng vũ trang phải do chính Ukraine đưa ra. Rõ ràng là nếu Kiev cung cấp thêm lực lượng để tham gia chiến đấu thì chúng tôi và các đồng minh sẽ sẵn sàng trang bị cũng như huấn luyện cho các lực lượng này”, TASS dẫn lời ông Miller nói trong cuộc họp báo.
Trước đó, Ngoại trưởng Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực hạ độ tuổi nhập ngũ ở Ukraine xuống 18. Ông tin rằng việc lôi kéo những người trẻ tuổi vào cuộc chiến là cần thiết.
Bình luận về phát biểu của ông Blinken, một nguồn tin trong văn phòng Tổng thống Zelensky giải thích, nếu xung đột Ukraine kết thúc trước giữa năm 2025 thì không cần thiết phải hạ độ tuổi nhập ngũ. Nguồn tin cho biết thêm, nếu đàm phán hòa bình thất bại, “sớm hay muộn tuổi động viên sẽ phải hạ xuống”.
EU chưa sẵn sàng đàm phán với Nga về Ukraine
Chuyên gia Endre Szimó, người đứng đầu tổ chức phi chính phủ "Vòng tròn hòa bình Hungary" cho rằng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa sẵn sàng đàm phán với Nga để giải quyết xung đột ở Ukraine và đang hành động như thể Moscow có thể bị buộc phải chấp nhận các đề xuất của Tổng thống Zelensky.
Ngoài ra, khi trả lời câu hỏi liệu Brussels đã sẵn sàng cho những cuộc đàm phán như vậy hay chưa, chuyên gia Szimó bày tỏ sự tiếc nuối rằng, “EU chưa sẵn sàng cho việc này”. Theo ông, “Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu vẫn hành xử như thể họ có đủ sức mạnh để đẩy lùi Nga và buộc Moscow phải chấp nhận công thức của Tổng thống Zelensky là rút quân đội khỏi Ukraine và khôi phục lại đường biên giới đã tồn tại từ năm 1991”.
Chuyên gia Szimó cho hay, “trong số các quốc gia thành viên EU, chỉ có Hungary và Slovakia là sẵn sàng đưa ra giải pháp hòa bình”. Cả hai nước cũng thể hiện sự quan tâm đến việc tạo ra một hệ thống an ninh và hợp tác ở Á-Âu.