Thông tin trên được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
“Tổng thống Zelensky và Ukraine muốn ký kết một thỏa thuận hòa bình với Nga, đồng thời cần phải ngừng bắn và bắt đầu đàm phán”, ông Trump cho biết.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng bày tỏ, “Trung Quốc có thể giúp đỡ” trong quá trình đàm phán.
Đồng thời, ông Trump nói thêm, nếu không thì cuộc khủng hoảng Ukraine “có thể phát triển thành một điều gì đó lớn hơn và tồi tệ hơn nhiều”.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (bên trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống Volodymyr Zelensky (phải) tại Điện Elysee, Pháp. Ảnh: AP |
Trước đó, Tổng thống đắc cử Mỹ đã đến Pháp, nơi ông gặp Tổng thống Emmanuel Macron và Tổng thống Zelensky. Cuộc gặp 3 bên diễn ra trong khoảng 20 phút mà không có tuyên bố chung cuối cùng.
Tổng thống Zelensky sau đó cho hay, cuộc thảo luận tốt và hiệu quả, cảm ơn ông Trump vì quyết tâm không lay chuyển.
"Tất cả chúng tôi đều muốn hòa bình, nhưng điều quan trọng là nó phải công bằng. Một nền hòa bình và an ninh công bằng, những đảm bảo an ninh mạnh mẽ nhất cho Ukraine là điều quan trọng nhất", ông Zelensky tuyên bố.
Cuộc gặp được đánh giá là rất quan trọng đối với ông Zelensky, trong lúc nhiều người ở Ukraine lo ngại về khả năng ông Trump hối thúc nước này nhượng bộ Nga. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, song chưa công bố biện pháp cụ thể.
Tên lửa ATACMS không phải “thuốc chữa bách bệnh” cho xung đột
TASS dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, tên lửa ATACMS của Mỹ không thể trở thành liều thuốc chữa bách bệnh có khả năng thay đổi cục diện cuộc xung đột ở Ukraine theo bất kỳ cách nào.
“Đối với các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS tầm xa, câu hỏi luôn nằm ở quy mô kho vũ khí của Mỹ. Khi chúng tôi sản xuất đủ số lượng tên lửa, chúng tôi sẽ gửi chúng đi và khi Nga thực hiện một số hành động nhất định, chúng tôi sẽ cho phép Ukraine sử dụng chúng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, tôi muốn nói với tất cả những người nghĩ rằng ATACMS là một loại thuốc chữa bách bệnh cho cuộc chiến này vì họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chúng chỉ là một lựa chọn bổ sung”, ông Sullivan nói.
Ngoài ra, theo ông, phần lớn các cuộc giao tranh ở Ukraine được thực hiện bằng vũ khí thông thường.
ATACMS, có tên gọi đầy đủ là Hệ thống Tên lửa Lục quân chiến thuật, do tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, được thiết kế khai hỏa từ xe pháo phản lực di động HIMARS do Mỹ viện trợ hoặc M270 mà Anh và Đức chuyển giao cho Ukraine.
Tên lửa ATACMS ra đời vào những năm 1980, có mục tiêu khi đó là nhằm tấn công cường độ cao vào các mục tiêu có giá trị lớn của Liên Xô nếu xung đột xảy ra. ATACMS có thể mang theo đầu nổ thông thường hoặc đầu đạn chứa đạn chùm để tăng diện tích sát thương.
New York Times mô tả ATACMS có đường bay giống tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tức nó sẽ được phóng lên độ cao lớn trên bầu khí quyển rồi lao trở lại mặt đất với vận tốc rất lớn nhờ quán tính và lực hấp dẫn.
Trước đó, vào tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách thận trọng lâu nay khi cấp phép để Ukraine lần đầu sử dụng tên lửa tầm xa loại ATACMS có tầm bắn khoảng 300 km tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga.