Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình ở Ukraine; thế giới đa cực đã trở thành hiện thực
Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình ở Ukraine
“Nga chưa bao giờ từ chối và hiện vẫn sẵn sàng tiếp tục đàm phán hòa bình. Chính Ukraine đã từ chối đàm phán và làm như vậy một cách công khai”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin nói tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Kazakhstan hôm nay (4/7).
Ông Putin nhấn mạnh, thỏa thuận Istanbul giữa Nga và Ukraine có thể tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RIA Novosti |
“Các thỏa thuận Istanbul vẫn được đặt trên bàn và có thể được sử dụng làm cơ sở để tiếp tục các cuộc đàm phán”, Tổng thống Putin lưu ý.
Trước đó, các cuộc đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra vào đầu tháng 3/2022 tại Belarus nhưng không mang lại kết quả.
Thế giới đa cực đã trở thành hiện thực
Tổng thống Putin tuyên bố, một thế giới đa cực đã trở thành hiện thực, vòng tròn các quốc gia ủng hộ trật tự thế giới công bằng đang mở rộng và các trung tâm quyền lực cũng như tăng trưởng kinh tế mới đang được củng cố.
“Thế giới đa cực đã trở thành hiện thực. Vòng tròn các quốc gia ủng hộ trật tự thế giới công bằng và sẵn sàng kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của mình cũng như bảo vệ các giá trị truyền thống đang được mở rộng”, ông Putin phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh SCO.
Tổng thống Putin khẳng định, SCO là một trong những nền tảng của trật tự thế giới mới. “SCO cùng với Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) là những trụ cột chính của trật tự thế giới mới nổi”, Tổng thống nhấn mạnh.
Theo ông Putin, sáng kiến của các nước SCO về đoàn kết toàn cầu vì thế giới công bằng và hòa hợp là bước tiến tới đa cực; nó nhằm phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực an ninh ở khu vực Á-Âu.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh SCO, nhà lãnh đạo Nga cho biết, các vùng xung đột tiềm ẩn vẫn còn tồn tại trên lục địa Á - Âu và sự phát triển của khu vực này sẽ dẫn đến hỗn loạn, bất ổn.
“Thật đáng tiếc, trên lục địa Á - Âu các nguồn xung đột tiềm tàng hiện giờ vẫn còn tồn tại, sự gia tăng xung đột này gây ra nhiều hỗn loạn và bất ổn. Trước hết là ở Trung Đông và đặc biệt là tình hình ở Dải Gaza”, ông Putin cho biết.
Diễn ra trong hai ngày 3 - 4/7, Hội nghị thượng đỉnh SCO được kỳ vọng sẽ thông qua những quyết định quan trọng mang tính chiến lược, thúc đẩy quan hệ toàn cầu kiểu mới với một cấu trúc an ninh mới cho khu vực Á - Âu.
Hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước đà quan trọng để khẳng định vai trò của SCO, thúc đẩy các chiến lược kinh tế, an ninh cũng như kết nạp thêm thành viên mới. Được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan, hội nghị có sự tham gia của Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko, cùng lãnh đạo các nước Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, UAE và Turkmenistan với tư cách quan sát viên và đối tác đối thoại.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội nghị về các biện pháp hợp tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, Tổ chức An ninh lương thực Hồi giáo, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Ủy ban Kinh tế Á - Âu đều cử đại diện cấp cao tham dự.