Tổng Thanh tra Chính phủ làm rõ nguyên nhân khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, có 390.980 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022), với tổng số người được tiếp là 433.832 người (tăng 41,8%) về 294.622 vụ việc (tăng 33,2%), có 2.929 đoàn đông người (tăng 26,6%).
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong |
Trong đó, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đã tiếp 3.773 lượt (tăng 58,9%), với 11.338 người được tiếp (tăng 58,1%) đến trình bày về 3.710 vụ việc (tăng 90,9%), có 107 đoàn đông người (giảm 56,7%).
Các bộ, ngành đã tiếp 44.930 lượt (tăng 67,3% so với năm 2022), với 48.747 người được tiếp (tăng 76,7%) về 27.706 vụ việc (tăng 45,4%), có 188 đoàn đông người (tăng 268,6%)…
Các cơ quan hành chính cũng tiếp nhận 446.805 đơn các loại; đã xử lý 422.801 đơn, có 342.437 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 76,6% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 50.533 đơn khiếu nại, 21.767 đơn tố cáo; có 28.892 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. So với năm 2022, số đơn các loại tăng 29,6%, đơn khiếu nại tăng 20,5%, đơn tố cáo tăng 23,5%.
Thanh tra Chính phủ tiếp nhận 11.442 đơn (tăng 27,4% so với năm 2022), đã xử lý 10.867 đơn, trong đó có 4.498 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 39,3%. Qua xử lý đơn, đã phát hành văn bản hướng dẫn công dân và chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết.
Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát 38 vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Giải trình về nguyên nhân tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, năm 2022 thì có thời gian thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên số người dân đến trụ sở các cơ quan hành chính để khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh ít hơn so với năm 2023. Đây là nguyên nhân khách quan.
Thứ hai, vào năm 2023 khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, có nhiều dự án đầu tư tăng hơn so với trước và để thực hiện các dự án đầu tư này, nhất là đầu tư công thì phải thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng nên dẫn đến việc phát sinh thêm khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng tăng lên.
Thứ ba, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 cho đến nay tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như là về chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, đầu tư bất động sản, môi trường... gặp nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng đổ vỡ, trong đó có ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng hơn so với trước đây.
“Chúng tôi được biết ngay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hiện nay có rất nhiều tập đoàn lớn phát hành, khả năng đến hạn để thanh toán trái phiếu này là không thanh toán được, bắt đầu đã có những khiếu nại, tố cáo và đặc biệt gửi cả những cơ quan như cơ quan điều tra, kể cả thanh tra. Vấn đề này cũng rõ nét so với trước đây” - ông Đoàn Hồng Phong nêu.
Về tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2023 giảm so với năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng nhưng tỷ lệ giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền chưa đạt mục tiêu của Chính phủ đề ra là 85% và thấp hơn so với năm 2022, nhưng so sánh về tổng số vụ việc đã giải quyết thuộc thẩm quyền thì năm 2023 cao hơn năm 2022 là 3.993 vụ việc và tăng gần 20% so với năm 2023.
Cụ thể, năm 2022 đã giải quyết 19.975 vụ việc, gồm 14.156 vụ việc khiếu nại và 5.819 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Năm 2023 đã giải quyết là 23.968 vụ việc, gồm 17.421 vụ việc khiếu nại và 6.547 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. “Con số này cũng báo cáo để các đồng chí rõ thêm sự nỗ lực, cố gắng về giải quyết” - ông Phong nói.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, vụ việc khiếu kiện đông người tại các cơ quan trung ương, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các kế hoạch triển khai, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và các địa phương kiểm tra, rà soát, qua đó đã lập danh sách 1.003 vụ việc.
Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc nhập dữ liệu 1.003 vụ việc này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, khai thác, sử dụng.