Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2024 tăng 8,5%
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có tăng, song mức tăng đang chậm lại
Theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 8/2024 ước đạt 526,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 8,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,5%; may mặc tăng 8,2%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 9,7%; du lịch lữ hành tăng 7,1%.
Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.148,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,0%).
Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, giai đoạn từ năm 2021 đến năm nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt… chỉ tăng … so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược thương mại trong nước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng (Ảnh: Lam Giang) |
Nếu tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm).
Tại buổi làm việc của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam để bàn về việc đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mới đây, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách để kích thích tiêu dùng xã hội.
Hiện tại, các nhà phân phối đang nỗ lực tung ra các chương trình ưu đãi, tăng cường quảng bá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm.
Về phía Aeon, hệ thống này tăng cường kết hợp với các nhà sản xuất địa phương để cho ra các sản phẩm nhãn hàng riêng, giúp nhà sản xuất nội địa bán hàng, nâng cao chuỗi sản phẩm và đưa sản phẩm giá tốt tiếp cận khách hàng. Như vậy, cả 3 bên là Aeon, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hưởng lợi khi sản phẩm có giá tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Với nhu cầu về hàng thời trang, hoá mỹ phẩm đang sụt giảm, Aeon chuyển sang các mặt hàng thời trang giá tốt nhưng có công năng phù hợp. Như vậy, người tiêu dùng vẫn có thể tìm mua sản phẩm thời trang nhưng giá thành sẽ phù hợp với kinh tế gia đình.
Với hệ thống siêu thị Satra, để kích cầu, tăng sức mua trong thời gian tới, chuỗi siêu thị này sẽ thực hiện khoảng 14 chương trình khuyến mại ở giai đoạn cuối năm. Trong đó, mỗi tháng thực hiện 2 lần, riêng dịp cao điểm là tháng 9 và Tết Dương lịch sẽ tăng gấp đôi chương trình khuyến mại, trong đó tập trung vào nhóm hàng thiết yếu.
Đối với Saigon Coop, từ 29/8 – 18/9, các hệ thống siêu thị trực thuộc Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Sense City… dành những vị trí đẹp nhất để trưng bày và giới thiệu hàng Việt; phối hợp cùng hơn 600 đối tác kinh doanh giảm giá từ 10 - 50% cho hơn 3.500 sản phẩm Việt…
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ, Tự hào hàng Việt là điểm nhấn trong chiến lược kinh doanh đồng hành và ủng hộ hàng Việt trong mọi hoạt động. Trong 35 năm hình thành và phát triển, Saigon Co.op luôn hỗ trợ hàng Việt bằng chính sách ưu tiên trưng bày quảng bá, triển khai các chương trình kích cầu mua sắm. Saigon Co.op cũng kết hợp chặt chẽ cùng các đối tác góp phần đưa hàng Việt có cơ hội xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Sớm triển khai Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia
Để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245QĐ-BCT về tổ chức "Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024".
Chương trình dự kiến diễn ra từ ngày 02/12/2024 đến ngày 31/12/2024.
Vietnam Grand Sale 2024 được tổ chức đồng thời trên phạm vi toàn quốc do Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Các đơn vị phát động, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến mại kết hợp thương mại truyền thống và thương mại điện tử giúp tạo hiệu ứng lan tỏa cũng như thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Chương trình được tổ chức khuyến mại đồng thời trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Các hoạt động khuyến mại kết hợp với việc tổ chức hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương mang tính quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền của Việt Nam.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng hấp dẫn với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng, giá cả phù hợp. Qua đó, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.
Cùng với Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia, các địa phương cũng tích cực triển khai các giải pháp kích cầu cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, gần đây nhất, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 2 chương trình. Theo đó, từ 6/8 - 5/9, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các chuyến bán hàng lưu động phục vụ người lao động thu nhập thấp ở các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, có 9 doanh nghiệp tham gia xuyên suốt chương trình, với 40 nhóm mặt hàng, gồm 500 loại sản phẩm, tiếp cận khoảng 300.000 người, thu hút 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng.
Ngay sau đó, trong 10 ngày từ 30/8 đến 8/9, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị chính thức phát động đợt khuyến mãi hàng hiệu quy mô lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “City Sale”. Năm nay, sự kiện khuyến mãi hàng hiệu được tổ chức quy mô lớn, kéo dài nhiều ngày, với sự tham gia của hơn 500 thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới. Đáng chú ý, các thương hiệu sẽ giảm giá lên đến 80%.
Từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình nhằm đón đầu mùa mua sắm cuối năm.
Đối với Hà Nội, sau 2 đợt chương trình khuyến mại tập trung được tổ chức vào các tháng 5, tháng 7, chương trình cuối năm sẽ diễn ra vào tháng 11/2024. Mức giảm giá, khuyến mại trong các chương trình này có thể lên tới 100%.
Sự kiện sẽ thu hút từ 1.000 - 2.000 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân Thủ đô, góp phần tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhất là trên lĩnh vực thương mại – dịch vụ.