Toàn cảnh thế giới 18/11: Israel hé lộ nguyên nhân rò rỉ 'tài liệu mật'; phát ngôn viên Hezbollah bị ám sát
Israel tiết lộ lý do bị rò rỉ tài liệu “tối mật”
Tờ Times of Israel dẫn nguồn tin do Tòa án Rishon Lezion Magistrate công bố hôm 17/11, cho rằng động cơ đằng sau vụ rò rỉ tài liệu tình báo quân sự “tối mật” cho tờ báo Bild của Đức vào tháng 9 là để giảm bớt áp lực và chỉ trích của công chúng đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau vụ lực lượng Hamas sát hại 6 con tin cấp cao vào cuối tháng 8.
Nghi phạm được cho là thủ phạm vụ rò rỉ thông tin mật của Lực lượng Phòng vệ Israel đến tờ báo đức Bild. Ảnh: Times of Israel. |
Theo thông tin chi tiết do tòa án công bố, một phụ tá của ông Netanyahu và là nghi phạm chính trong vụ việc, đã tiết lộ tài liệu cho tờ Bild, nhằm thay đổi quan điểm của công chúng về số phận của các con tin Israel đang bị lực lượng Hamas giam giữ ở Gaza; đổ lỗi cho thủ lĩnh Hamas về sự bế tắc trong các cuộc đàm phán thả con tin; và ngụ ý rằng các cuộc biểu tình đòi thả con tin đang có lợi cho Hamas.
Nghi phạm ban đầu có được tài liệu “tối mật” vào tháng 4 năm nay, sau khi được một sĩ quan không ủy nhiệm của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiết lộ trái phép. Cựu phụ tá của Thủ tướng Israel sau đó đã tiết lộ thông tin này cho tờ Bild, sau khi 6 con tin bị sát hại vào cuối tháng 8, một sự kiện đã gây chấn động cả nước và dẫn đến sự chỉ trích gay gắt đối với ông Netanyahu. Những nhà phê bình ông Netanyahu cho rằng đây là nỗ lực phá hoại thỏa thuận thả con tin vì mục đích chính trị.
Các nhà điều tra tin rằng việc rò rỉ tài liệu này có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh của Israel, trong khi IDF đi đến kết luận rằng vụ rò rỉ này đã gây tổn hại đến mục tiêu chiến tranh là giải cứu con tin, cũng như các hoạt động của IDF và cơ quan an ninh Shin Bet tại dải Gaza.
Trước đó vào Chủ nhật, Văn phòng Luật sư Nhà nước Israel đã thông báo với tòa án rằng họ có ý định truy tố nghi phạm và một nhân vật quan trọng khác về vụ việc, nhưng yêu cầu giam giữ cả hai trong 5 ngày nữa để hoàn tất quá trình soạn thảo và nộp cáo trạng. Hai nghi phạm này chưa được công bố tên, bị tình nghi chuyển thông tin mật để gây hại cho nhà nước, thu thập tài liệu mật để gây hại cho nhà nước và âm mưu phạm tội, cùng nhiều tội danh khác.
Theo báo cáo của kênh tin tức Channel 13 của Israel đưa tin vào 17/11, ông Jonatan Urich, cựu nhân viên báo chí của ông Netanyahu và sau đó là của Quốc hội Israel, đã bị thẩm vấn do được cho là nghi phạm trong vụ án.
Phát ngôn viên Hezbollah bị Israel tập kích
Theo Reuters, quân đội Israel vừa xác nhận phát ngôn viên Hezbollah đã tử vong trong cuộc tập kích Beirut, mô tả đây là "người tuyên truyền chính" của nhóm vũ trang ở Lebanon.
Quân đội Israel hôm 17/11 tuyên bố đã tiến hành "cuộc tập kích chính xác" dựa trên thông tin tình báo ở khu vực Beirut và hạ sát phát ngôn viên Hezbollah Mohammed Afif, người được mô tả là "liên quan trực tiếp đến hoạt động chống lại Israel".
Hezbollah, nhóm vũ trang ở Lebanon, cùng ngày xác nhận phát ngôn viên Mohammed Afif đã thiệt mạng trong cuộc tập kích của Israel.
Các phát biểu được đưa ra sau khi nguồn tin an ninh Lebanon nói rằng ông Afif đã chết trong vụ tập kích nhằm vào văn phòng chi nhánh đảng Baath tại trung tâm thủ đô Beirut. Bộ Y tế Lebanon cho biết cuộc tấn công khiến ít nhất một người thiệt mạng và 3 người bị thương.
Ông Mohammed Afif gia nhập Hezbollah từ khi còn trẻ. Ông bắt đầu được biết đến kể từ cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel hồi năm 2006, khi xuất hiện với vai trò giám đốc thông tin của kênh truyền hình Al-Manar do nhóm vũ trang điều hành. Afif là thành viên trong đội ngũ thân cận của cố thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah, người bị Israel hạ sát tại ngoại ô phía Nam Beirut hồi tháng 9.
Kênh truyền hình Al-Manar đưa tin Israel ngày 17/11 cũng tập kích Mar Elias, khu phố ở Beirut hiếm khi nằm trong tầm ngắm của Tel Aviv. Ít nhất 2 người thiệt mạng và 22 người bị thương trong vụ tấn công, theo Bộ Y tế Lebanon.
Hezbollah và Israel bùng phát giao tranh vào tháng 10/2023, ngay sau khi Hamas tấn công miền nam Israel và dẫn tới xung đột ở Dải Gaza. Hồi cuối tháng 9, Israel tăng cường chiến dịch ở Lebanon, tập kích dữ dội miền nam và đông nước này, cùng các khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Beirut. Tel Aviv cũng phát động chiến dịch trên bộ vào khu vực biên giới giữa Israel và Lebanon.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Ukraine “nhượng bộ”
Trang Bloomberg đưa tin, sau gần 1.000 ngày chiến sự, các đồng minh của Ukraine đang thúc đẩy Tổng thống Volodymyr Zelensky cân nhắc những lựa chọn mới để “kéo” Tổng thống Nga Vladimir Putin vào bàn đàm phán. Chia sẻ với Bloomberg, hai quan chức châu Âu dấu tên cho biết, ngày càng có nhiều người cho rằng ông Zelensky sẽ phải thỏa hiệp với ông Putin, vì rõ ràng là Ukraine không thể đảm bảo chiến thắng quyết định.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là thành viên NATO mới nhất tham gia nỗ lực đàm phán hòa bình. Ông sẽ trình bày đề xuất của mình về việc đóng băng xung đột, khi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 họp tại Rio de Janeiro vào ngày 18/11, theo một nguồn tin của Bloomberg.
Cụ thể, các nguồn tin cho biết, ông Erdogan sẽ đề xuất rằng ông Zelensky phải đồng ý trì hoãn các cuộc thảo luận về việc gia nhập NATO trong ít nhất 10 năm để “nhượng bộ” Tổng thống Putin.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề xuất việc thành lập một khu phi quân sự ở vùng Donbas phía đông Ukraine, nơi Nga đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ lớn kể từ năm 2014. Ông Erdogan cho rằng quân đội quốc tế có thể được triển khai ở đó, như một sự đảm bảo bổ sung về quân sự để “bù đắp” cho việc Ukraine không tham gia NATO.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận rằng đề xuất như vậy sẽ khó được Ukraine chấp nhận, nhưng họ tin rằng đây là cách tiếp cận thực tế nhất. Họ sẽ hướng đến việc gác lại các cuộc thảo luận về số phận lâu dài của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng để tập trung vào việc đảm bảo lệnh ngừng bắn ổn định trước tiên.
Bloomberg nhận định, kế hoạch trên cũng có thể hấp dẫn một số đồng minh của Kyiv, những người lo ngại rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ có nguy cơ khiến họ xung đột trực tiếp với Điện Kremlin.