Dự báo thời tiết hôm nay 11/9/2024: Miền Bắc mưa dông, cảnh báo lũ đặc biệt lớn trên sông Thao Vĩnh Phúc phát lệnh báo động lũ, thông báo nhân dân vùng ngoài đê chủ động sơ tán |
Theo bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng cảy khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi chiều ngày 11/9, trong 24 giờ qua (từ 14 giờ ngày 10/9 đến 14 giờ ngày 11/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Cát Bà 240mm (Hải Phòng); Cao Sơn 151mm (Hòa Bình); Bình Liêu 76,4mm (Quảng Ninh); Quân Chu 101,4mm (Thái Nguyên); Lương Nha 109,8mm (Phú Thọ); Hiền Chung 79mm (Thanh Hóa);...
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo: Trong 3 - 6 giờ tới khu vực các tỉnh miền núi Bắc Bộ phổ biến có mưa nhỏ hơn 15mm, cục bộ có nơi trên 50mm; các tỉnh Trung du và Thanh Hóa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Cảnh báo nguy cơ: Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện ở một số tỉnh, thành phía Bắc: Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Cấp 1, Yên Bái: Cấp 2.
Cảnh báo tác động của lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia cảnh báo, lũ trên sông Hồng đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê và khả năng gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo khẩn cấp về lũ trên các sông tại miền Bắc |
Các chuyên gia cũng cảnh báo, lũ trên sông đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện của Hà Nội như: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh... Tại hiện trường, phóng viên Báo Công Thương ghi nhận nhiều tuyến sông nước dâng cao, thậm chí người dân và lực lượng chức năng phải đào đất đắp đê chống tràn (sông Tích).
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều khu vực của một số tỉnh thành chìm trong “biển nước”. Nhiều nơi bị cô lập do nước ngập dâng cao và gây khó khăn trong việc người dân di chuyển, cũng như việc tiếp cận của các chính quyền địa phương, lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Chiều ngày 11/9, thông tin trên Báo Người lao động, ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã đưa ra thông tin về việc cảnh báo ngập úng trong nội thành Hà Nội trước khi có mưa lớn. Tuy nhiên, nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng thông tin này và đưa ra tin cảnh báo "ngập lụt do lũ sông Hồng" khiến nhiều người hiểu sai bản chất.
Ông Long khẳng định, nước lũ hiện tại (lúc 11 giờ 30 là 11,02 m, thấp hơn báo động 3 là 0,48 m) trên sông Hồng chỉ khiến khu vực ngoài đê bị ngập, không ảnh hưởng đến nội thành.
Đến trưa 11/9, mực nước tại thượng nguồn sông Hồng, sông Thao đã đạt đỉnh và đang xuống. Song mực nước trên sông Thao xuống rất chậm.
Theo ông Long, hồ Hòa Bình, hồ Tuyên Quang tiếp tục đóng thêm cửa xả là những thông tin tích cực để giảm nước lũ ở hạ lưu, khả năng tiêu thoát lũ đang diễn ra chậm nên thời gian ngập lụt còn kéo dài khoảng 2-3 ngày tới.
Ông Long khuyến cáo người dân ở vùng ven sông phải thường xuyên theo dõi các dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để nắm các diễn biến của mưa lũ, có biện pháp ứng phó kịp thời.
Ngoài ra, người dân vùng ven sông cần tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo, cảnh báo, di dời của chính quyền địa phương.