Thứ năm 26/12/2024 01:36

TKV tăng cường đầu tư để bảo vệ môi trường trong tình hình mới

Những năm qua Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là gắn sản xuất với bảo vệ môi trường (BVMT).

Khai thác than là hoạt động luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức rõ được vấn đề đó, những năm qua Tập đoàn TKV luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là gắn sản xuất với bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, quan trọng bậc nhất là việc triển khai “Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020” đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế những ảnh hưởng từ sản xuất, kinh doanh than đến đời sống người dân và môi trường xung quanh.

Hiện nay, ô nhiễm môi trường ngày càng diễn ra nặng nề và trở nên nghiêm trọng hơn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sự sinh tồn của động, thực vật mà còn ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam là một nước nông nghiệp đang trong quá trình CNH, HĐH với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao, nhưng Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều vấn đề từ môi trường.

BVMT luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, nên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Để cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng về vấn đề môi trường, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện. Quan điểm nhất quán là không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế.

Những năm qua, ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực xử lý các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, như khoảng sản, luyện kim, nhiệt điện, hóa chất… trong đó có sự đóng góp của Tập đoàn TKV.

TKV luôn đi đầu trong cải tạo, phục hồi môi trường.

Trong nhiều năm qua, Tập đoàn TKV đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn người lao động... Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì việc làm tổn hại đến môi trường và hệ sinh thái là khó tránh khỏi. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như khôi phục hệ sinh thái, Tập đoàn TKV đã giành sự quan tâm đặc biệt, nỗ lực đầu tư, đổi mới, gắn sản xuất với BVMT, trong đó nổi bật là việc triển khai “Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, nhiều “điểm nóng” về môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than đã từng bước được giải quyết.

Trước đây, các hoạt động khai thác Than ở Quảng Ninh đã gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường. Biểu hiện rõ nhất là việc tác động đến cảnh quan môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải, bụi; làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nước, ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ về dòng thải axit từ các mỏ... Những hoạt động ấy đang phá vỡ cân bằng sinh thái được hình thành từ hàng triệu năm trước, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, trở thành vấn đề cấp bách mang tính chính trị và xã hội sâu sắc.

Xuất phát từ nhiệm vụ cấp bách trong vấn đề BVMT, năm 2009 TKV đã quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV, là đơn vị được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh các công trình môi trường mỏ và xây lắp công trình. Thời gian qua, Công ty đã thực hiện nhiều dự án môi trường trọng điểm như: Cải tạo phục hồi, phòng chống sạt lở bãi thải, cải tạo trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường các bãi thải, khai trương sản xuất sau khi kết thúc khai thác... Qua đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu "xanh hóa" trong sản xuất của ngành Than.

Công ty đã đầu tư xây dựng 45 trạm xử lý nước thải mỏ với tổng công suất 33.475m3/h, tương ứng 135 triệu m3/năm, đủ năng lực để xử lý lượng nước thải phát sinh của tất cả các đơn vị khai thác than trong Tập đoàn, đảm bảo quy chuẩn xả thải ra môi trường. Các trạm xử lý nước thải mỏ đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động các thông số: lưu lượng, nhiệt độ, pH, COD, TSS, Fe, Mn, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh theo dõi, giám sát.

Đối với nước thải các nhà máy điện, xi măng, hóa chất sau xử lý cơ bản được tái sử dụng cho sản xuất (chống bụi, vệ sinh công nghiệp,..); nước thải các mỏ than sau xử lý một phần được tái sử dụng cho sản xuất (chống bụi, vệ sinh công nghiệp, công nhân tắm giặt), còn lại xả ra môi trường. Bùn từ quá trình xử lý là chất thải thông thường nên được vận chuyển đổ tại các bãi thải tro xỉ, đất, đá của mỏ.

Trạm xử lý nước thải mỏ Núi Nhện ( Cẩm Phả)

Năm 2013, TKV đầu tư gần 200 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp nguy hại, với công suất 6.900 tấn/năm tại xã Dương Huy, Cẩm Phả, Quảng Ninh, bắt đầu hoạt động từ năm 2014, từ đó đến nay, hàng năm xử lý hàng nghìn tấn chất thải nguy hại của các đơn vị thành viên TKV trên địa bàn Quảng Ninh; sản phẩm sau xử lý được cấp cho Công ty CP chế tạo máy - Vinacomin để đốt lò (dầu sau xử lý) và cấp cho các doanh nghiệp khác (ắc quy, thép..). Các loại chất thải chính (dầu mỡ thải, pin, ắc quy thải, bộ lọc dầu, linh kiện thiết bị điện tử thải, giẻ lau dính dầu mỡ, phế thải chứa amiang, vỏ thùng phuy dính dầu) được các đơn vị thành viên thu gom lưu giữ trước khi thu gom về Nhà máy để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện Công ty cũng đang thi công xây lắp hệ thống băng tải than tại Mạo Khê, Đông Triều. Quản lý, duy tu thường xuyên 32km đường vận tải liên mỏ, hàng ngày sử dụng xe xitec để phun nước dập bụi. Hàng năm sửa chữa, xây dựng hàng chục kilomet bờ kè, đê, đập chống sạt lở đất, đá…trồng hàng nghìn hecta rừng cây phủ xanh các bãi thải. Chỉ tính từ năm 2016 đến năm 2020, giai đoạn có Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than, TKV đã chỉ đạo trồng trên 1.825ha cây xanh trên các bãi thải với mật độ dày tới 5.000 cây/ha, để đẩy nhanh thời gian phủ xanh.

Có thể thấy rõ sau nhiều năm, những diện tích rừng cây trồng trên các bãi thải đã phát huy tác dụng giữ đất đá, hạn chế xói mòn khi trời mưa và giữ bụi khi có gió. Hiện nay, đi dọc QL18 quan sát chúng ta không còn nhận ra những bãi thải trơ trọi như trước đây mà thay vào đó là màu xanh của những cánh rừng tươi tốt. Đó là minh chứng cho những nỗ lực của ngành than trong việc trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường sau khai thác than.

Ngoài ra, TKV cũng yêu cầu các đơn vị thành viên đổ thải theo quy định và xây dựng đê, kè, đập chống trôi đất, đá. Gần đây, TKV đã đầu tư xây dựng bổ sung 5 đập và 1.200m đê chắn đất, đá tại chân các bãi thải, xây dựng 12 hồ lắng nước đầu nguồn các suối, thường xuyên nạo vét các suối thoát nước, qua đó đã làm giảm đáng kể đất, đá bồi lấp, ngăn ngừa tình trạng ngập lụt tại các khu dân cư.

Hướng đến sản xuất thân thiện với môi trường

Từ 2016-2020 ngành than đã chi 4,8 nghìn tỷ đồng cho BVMT. Nếu như trước đây tại các đơn vị sàng tuyển, toàn bộ nước sau tuyển rửa được bơm trực tiếp ra hồ lắng, có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến nguồn đất, nước và không khí thì nay việc đầu tư công nghệ mới, hướng tới sản xuất thân thiện với môi trường đã khắc phục được những nhược điểm trên.

Điển hình như tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, năm 2018 đã đầu tư hệ thống lọc, ép than bùn đó không chỉ giải được bài toán BVMT mà còn tiết kiệm tài nguyên. Hệ thống này cũng đã khắc phục hạn chế trong khâu xử lý bùn nước bằng cách lắng đọng tự nhiên. Không chỉ tận thu tối đa sản phẩm có trong bùn mà công nghệ này còn tránh thẩm thấu nước thải ra môi trường, tránh bay hơi nước, có thể sử dụng triệt để nước tuần hoàn và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Nước thải được đưa ra hồ đất để lắng đọng tự nhiên, nước tràn sẽ được thu hồi và tái phục vụ sản xuất, không còn nước thải ra môi trường.

Xe xitec phun nước dập bụi kết hợp tưới chăm sóc cây tuyến đường liên mỏ

Một thực tế ở vùng than trước đây, bụi thường xuất hiện trên nhiều tuyến đường và các khu dân cư, chỉ dùng xe ôtô để tưới nước hoặc ống dẫn nước tưới dập bụi nên hiệu quả không cao, tốn nhiều nước, thời gian và nhân lực. Từ năm 2018 đến nay, TKV đã yêu cầu các đơn vị đầu tư lắp đặt hệ thống máy phun sương dập bụi quạt cao áp tại các khu vực kho bãi chế biến, sàng tuyển than, bến cảng, bãi thải, khu vực gần dân cư và trên các tuyến vận tải. Hệ thống đó có bán kính xoay 180 độ, phun xa, dập được lượng lớn bụi. Hết năm 2020, các đơn vị thuộc TKV đã đầu tư hơn 30 máy phun sương dập bụi quạt cao áp tại các vị trí trọng yếu. Nên đã làm giảm đáng kể lượng bụi phát tán trong quá trình sản xuất.

Hơn nữa, để hạn chế bụi và tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất, bốc xúc, vận chuyển đất đá, các đơn vị đã đầu tư nhiều công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn tại nơi sản xuất cũng như các khu vực liên quan. TKV đã hoàn thành 11 công trình giảm thiểu bụi, ồn, bằng 133% khối lượng đề ra theo kế hoạch.

TKV đã đầu tư xây lắp các tuyến băng tải để thay thế hoàn toàn việc vận chuyển than bằng ô tô ngoài mỏ. Hết năm 2020, TKV đã hoàn thành công trình tuyến băng tải than Khe Ngát - cảng Điền Công (Uông Bí) với chiều dài gần 8km, tổng mức đầu tư 1.291 tỷ đồng, công suất 6 triệu tấn than/năm. Việc đưa tuyến băng tải vào sử dụng đã giảm được hoạt động thường xuyên của 300 ô tô, hơn 500 toa tàu sắt vận chuyển than hàng tháng. Ngoài giá trị về mặt kinh tế, công trình này còn mang lại hiệu quả lớn trong việc ổn định an sinh xã hội, đảm bảo an toàn giao thông và đặc biệt là giải quyết nạn ô nhiễm môi trường tại TP. Uông Bí.

TKV cũng rà soát và đầu tư mở rộng, nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ, kết hợp lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động tại Trạm +25 Núi Nhện; Trạm -97,5 Mông Dương; Trạm +131 Đồng Vông; trạm Cọc Sáu và trạm 1.200m3 Mạo Khê, điều đó đã đáp ứng yêu cầu sản xuất gắn với BVMT. Đến nay, 57 hệ thống quan trắc môi trường tự động đã được TKV hoàn thành, kiểm soát lượng nước thải, khí thải ra môi trường.

Hồ chứa nước thải từ hoạt động sản xuất của Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp nguy hại sẽ được xử lý và tái sử dụng phục vụ sản xuất, thả cá

Mặc dù đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động BVMT, nhưng TKV vẫn phải chấm dứt hoạt động Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 31/12/2018; xây dựng và đưa Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai tại Hà Khánh - Hạ Long vào hoạt động từ tháng 4/2019 đó thực sự là quyết tâm rất lớn của ngành Than để BVMT.

Trong thời gian tới TKV tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, áp dụng tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” và thực hiện mục tiêu “Đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy”, đó là điều kiện để TKV hướng tới phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh".

Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để tăng năng xuất lao động và hiệu quả kinh tế. Đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm giảm sức người và giảm thiểu những tổn hại đến môi trường, ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm và phòng ngừa các sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tránh phung phí nguồn tài nguyên than, nâng cao tỷ trọng tái chế, tái sử dụng các loại phế liệu, sản phẩm phụ, chất thải, nguồn nước hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường.

Lê Văn Thuấn - Công ty Môi trường TKV

Tin cùng chuyên mục

TKV cung cấp 36,33 triệu tấn than cho sản xuất điện trong 11 tháng

Than thương phẩm 10 tháng của TKV đạt 40,98 triệu tấn

Tháng 8/2024, xuất khẩu than của Việt Nam tăng mạnh 65,4%

Nước đầu tiên trong khối G7 cho ngừng hoạt động 1 nhà máy điện than

Công ty Môi trường - TKV tổ chức khánh thành và gắn biển công trình chào mừng 30 năm Ngày thành lập

Công ty Than Uông Bí kịp thời khắc phục '3 không' sau bão để sản xuất

TKV chia sẻ, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại do bão số 3

Ngành than khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất sau bão số 3

TKV chủ động triển khai phương án ứng phó bão số 3

8 tháng năm 2024, than cấp cho sản xuất điện đạt 27,85 triệu tấn

Thương mại than được định hình lại bởi 3 "ông lớn" châu Á, có cả Việt Nam

TKV hoàn thành tuyến băng tải vận chuyển than 450 tỷ đồng

Sức khoẻ tài chính và tiền lương của TKV nửa đầu năm 2024 ra sao?

Than thương phẩm 7 tháng năm 2024 đạt 32,16 triệu tấn

Sự quan tâm đặc biệt đối với ngành than của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Quảng Ninh: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành than nhằm tăng hiệu quả sản xuất

6 tháng đầu năm 2024: Tập đoàn TKV nộp ngân sách bao nhiêu?

6 tháng năm 2024: Than cấp cho sản xuất điện tăng 2 triệu tấn

5 tháng 2024, TKV cấp 19,80 triệu tấn than cho sản xuất điện, tăng 15 % so với cùng kỳ

Ứng dụng công nghệ mới tại các nhà máy nhiệt điện than giảm phát thải khí nhà kính