Thứ sáu 29/11/2024 00:25

TKV: Hành trình 25 năm trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh

Ngày 15/10, tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Tổng công ty Than Việt Nam (10/10/1994 - 10/10/2019) và tuyên dương các điển hình tiên tiến của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV khẳng định, Tập đoàn đã và sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Khai thác 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn than trong 25 năm

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Minh Chuẩn nhắc lại, những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, trước yêu cầu thống nhất quản lý hoạt động khai thác than, tránh thất thoát tài nguyên của đất nước, huy động sức mạnh tổng hợp để đáp ứng nhu cầu than cho công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, ngày 10/10/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 563/QĐ - TTg thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành các tổ chức lại tổng công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên thành Tập đoàn Than Việt Nam. Ngày 26/12/2005, Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Ông Lê Minh Chuẩn: TKV đã và sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó

Từ đây cán bộ công nhân, người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lao động sáng tạo, tận tâm, tận lực trong sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng cho sự phát triển của Tập đoàn trong suốt chặng đường 25 năm qua.

Nói về những kết quả sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, ông Lê Minh Chuẩn cho biết, nếu so với năm đầu thành lập, sản lượng than toàn ngành mới chỉ ở mức 7 triệu tấn thì đến nay, bình quân hàng năm TKV khai thác từ 40 - 45 triệu tấn, tăng gấp 7 lần. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, TKV đã khai thác được 700 triệu tấn, tiêu thụ 715 triệu tấn. Và để đạt được sản lượng này, TKV đã thực hiện đào 5,2 ngàn km đường lò, gấp 3 lần chiều dài đất nước Việt Nam, bình quân đào 206 km/năm và bóc xúc 3,4 tỷ m3 đất đá, bình quân 128 triệu m3/năm. Tổng doanh thu than từ 1,3 ngàn tỷ đồng năm 1994 tăng lên 62,26 nghìn tỷ đồng năm 2018, gấp 47,6 lần so với thời điểm Than Việt Nam ra đời; Năng suất lao động tính theo than nguyên khai năm 2018 đạt 572 tấn/người-năm, tăng 3,45 lần so với năm 1995.

Không chỉ tập trung khai thác, tăng sản lượng, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Với các mỏ hầm lò, TKV tăng cường sử dụng công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than cùng các hệ thống khai thác giếng đứng sâu đến -350 và - 500 mét. Tổng sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá toàn Tập đoàn từ năm 2002 đến hết 2017 đạt 12,75 triệu tấn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao tăng Huân chương Lao động cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc của Tập đoàn TKV

Với các mỏ lộ thiên, Tập đoàn đã đầu tư các loại ô tô vận tải chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn, khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại Mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành và cải thiện bờ mỏ. Cùng với đó, Tập đoàn đẩy mạnh hiện đại hóa khâu sàng tuyển, dịch vụ cung ứng than...

Trước xu thế phát triển của công nghệ tin học, TKV đã chủ động ứng dụng tự động hoá, tin học hoá vào quá trình SXKD và công tác quản lý điều hành. Từ cơ quan Tập đoàn đến các đơn vị đều đã quan tâm đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung.

Hiện tại, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác điều hành sản xuất như: Phần mềm hoá đơn điện tử; phần mềm “Quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khoẻ cho người lao động mỏ hầm lò”, Vòng nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các công ty than khai thác lộ thiên, “Hệ thống giám sát lưu chuyển than”…

Qua đó, TKV đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Không chỉ tập trung phát triển lĩnh vực khai thác chính là than, TKV cũng đã đầu tư phát triển nhiều lĩnh vực liên quan, Cụ thể, trong lĩnh vực khác thác khoáng sản, TKV đã phát triển theo hướng tăng cường chế biến sâu, tạo ra sức đột phá mạnh mẽ, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế của Tập đoàn. TKV đã đầu tư đồng bộ các tổ hợp khai thác đến chế biến kim loại bao gồm: alumina, đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác. Mỗi năm, Tập đoàn sản xuất trên 11 nghìn tấn đồng tấm; 11 nghìn tấn kẽm thỏi, 180 nghìn tấn phôi thép.

Đặc biệt, với việc thực hiện thành công hai dự án thí điểm khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, TKV đã đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Năm 2018, TKV sản xuất và tiêu thụ 1,3 triệu tấn alumina, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 520 triệu USD; đã đóng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng Tây Nguyên. Các dự án bauxite đã bước vào giai đoạn có lãi.

Trên nền của ngành công nghiệp than, TKV đã phát triển thành công các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện; vật liệu nổ công nghiệp, cơ khí, vật liệu xây dựng và các lĩnh vực khác liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính. Hiện tại, TKV đã đầu tư 7 nhà máy điện với tổng công suất thiết kế 1.730 MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ hàng năm của TKV từ 9,5 -10 tỷ kWh, với doanh thu 12,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Lãnh đạo Tập đoàn TKV đón nhận tặng bằng khen của Chính phủ

Đặc biệt, giai đoạn 5 năm gần đây (2015 - 2019), khối Khoáng sản, Điện lực, Hoá chất của Tập đoàn đã tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vai trò, vị trí và sự đóng góp ngày càng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Cụ thể, doanh thu của Khối đã đạt xấp xỉ 30% tổng doanh thu của Tập đoàn với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,6%/năm; lợi nhuận chiếm tỷ trọng 34,4% toàn Tập đoàn. Điều này đã khẳng định chiến lược phát triển hết sức đúng đắn mà các thế hệ lãnh đạo của Tập đoàn đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện thành công.

“Từ một tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, TKV đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là Than, Khoáng sản, Điện lực và Vật liệu nổ công nghiệp, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ” Ông Lê Minh Chuẩn khẳng định.

Nỗ lực hơn vì an ninh năng lượng quốc gia

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp – ghi nhận và đánh giá cao kết quả Tập đoàn TKV đã đạt được trong 25 năm qua.

“25 năm xây dựng và phát triển, TKV đã hai lần hoàn thành trước thời hạn chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VIII và lần thứ IX đề ra; đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước” – ông Anh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, trong những năm qua TKV đã có nhiều giải pháp động viên và khơi dậy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần làm chủ, sáng tạo, vượt khó của đội ngũ cán bộ, công nhân, phấn đấu vươn lên hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, TKV đã phối hợp tốt với các địa phương nơi có hoạt động SXKD của Tập đoàn trong công tác bảo vệ môi trường, làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Trong năm 2019 - năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị và kinh tế, Trung Ương đã và đang triển khai nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019-2020. Với Ngành Than - Khoáng sản, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao rất nặng nề, do đó, để hoàn thành nhiệm vụ, ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị TKV tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, cần triển khai có hiệu quả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo được kế hoạch năm 2019 đề ra. Đặc biệt là tập trung sản xuất sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Nhiều tập thể, cá nhân của TKV vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

TKV cũng phải tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực SXKD; nghiên cứu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới việc nâng cao chất lượng, chú trọng đến năng suất, hiệu quả của tăng trưởng. Đồng thời chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất trên cơ sở tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để thu hút vốn cho các dự án đầu tư; tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới; cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than đảm bảo nhu cầu than cho nền kinh tế theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chăm lo công tác tổ chức và cán bộ, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế; chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, từng bước nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho Người lao động.

Hoàng Châu
Bài viết cùng chủ đề: An ninh năng lượng

Tin cùng chuyên mục

Tổng thống Cộng hòa Bulgaria thăm và làm việc tại Tổ hợp Nhà máy VinFast Hải Phòng

Nam Định triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp hoá chất giảm sự cố trong quá trình hoạt động

Công nghệ igus Mobile Shore Power Outlet (iMSPO) cấp điện bờ tại cảng an toàn, nhanh chóng và linh hoạt

Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Quảng Bình: Tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 73%

Đà Nẵng: Công bố 51 doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư sản xuất trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ

Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa 40%, công nghiệp ô tô thêm động lực từ tân binh Omoda & Jaecoo

Sản xuất thép ray cho đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp trong nước sẵn sàng vào cuộc

Sửa đổi Luật Hóa chất thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh

Hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu TP. Hải Phòng"

Gợi ý cho Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên

Khuyến công Bình Định hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thiết kế bao bì, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm

Bài 4: Kỳ vọng thổi 'luồng sinh khí' mới vào nền kinh tế

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc