Tín dụng ngoại tệ tăng cao: Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ
- Tăng trong tầm kiểm soát
Con số mới nhất được NHNN công bố cho thấy, đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao (tín dụng ngoại tệ tăng 12,03%, tín dụng bằng VND tăng 2,17%). Trong báo cáo tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra thông tin: Từ đầu năm đến tháng 5/2014, tiền gửi ngoại tệ giảm 5,5%, cho vay ngoại tệ tăng 7% so với đầu năm; tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% vào cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5/2014; lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% lên khoảng 0,4%/năm và dao động mạnh hơn. Trước thực tế dòng vốn VND thẩm thấu vào nền kinh tế ít hơn nhiều lần so với vốn ngoại tệ, Ủy ban Giám sát và một số chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại thanh khoản đối với ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định.
Đến hết tháng 6/2014, dự trữ ngoại hối nhà nước đã lên mức kỷ lục là khoảng 35 tỷ USD. Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm đến cuối tháng 6, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,4%, giảm so với mức 12,4% vào cuối năm 2012-2013. |
Tuy nhiên, giải đáp những băn khoăn này, bà Nguyễn Thị Hồng- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN- khẳng định, trên thực tế, nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ/tổng vốn huy động chỉ khoảng từ 50-60% và không đáng quan ngại bởi vẫn nằm trong các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN. Do tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm chưa cao nên NHNN đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ. Kết quả cho thấy, đến cuối tháng 5/2014, tín dụng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng tín dụng chung đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,51%. “Nếu không có sự linh hoạt này, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 5/2014 khó có thể tăng được 1,51% và việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng chung, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”- bà Hồng khẳng định.
Sẽ có những điều chỉnh phù hợp
Nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đến cuối tháng 5/2014 là 9,35% so với cuối năm 2013 và hệ số sử dụng vốn tín dụng ngoại tệ/huy động ngoại tệ trong nước lên tới 99,5% thì cũng chưa thể hiện được đúng bản chất vấn đề. Phân tích kỹ hơn về sự linh hoạt trong điều hành, đại diện NHNN chỉ ra rằng: Thứ nhất, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 9,35% so với cuối năm 2013 nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ tăng có 1,34%. Thứ hai, nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước khác và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn này thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng từ 50-60%. Thứ ba, việc linh hoạt chấp thuận cho các ngân hàng cấp tín dụng ngoại tệ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ. Theo đó, khi các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay sẽ không tạo áp lực tới việc các ngân hàng phải bán ngoại tệ để trả nợ vay. Đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ. Bà Hồng cho biết thêm, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tín dụng, đặc biệt là tín dụng VND để có những điều chỉnh phù hợp. Mặc dù linh hoạt trong ngắn hạn khi điều hành tín dụng ngoại tệ, nhưng NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa trong nền kinh tế.
Duy Minh