Tìm lại nét vân trên dải lụa Hà Đông
Không khó để thấy những guồng quay tơ thủ công ở Vạn Phúc |
Đi qua mùa giông bão
Vào những ngày đầu tháng 9/2015, lần đầu tiên, dải lụa Hà Đông ở làng Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) đã tung bay ở kinh thành Vienna của Cộng hòa Áo. Hoa hậu Trái đất Áo năm 2013 Katia Wagner đã phải thốt lên rằng: “Nó rất mềm mại, ấm áp và quyến rũ”. Còn nhà thiết kế La Hồng (người Áo, gốc Việt)- người đã thiết kế bộ sưu tập áo dài “12 mùa hoa” bằng chất lụa Hà Đông để trình diễn trong sự kiện văn hóa “Ngày Việt Nam” tại kinh đô âm nhạc thế giới- cũng vô cùng thích thú và đánh giá cao chất liệu lụa bắt nguồn từ thiên nhiên này. Được biết, cả 80m vải lụa để thực hiện bộ sưu tập ấy đều là lụa gốc Hà Đông.
Thế nhưng, nhiều người lại bảo, giờ mua lụa Hà Đông chính gốc rất khó, không khác gì mò kim dưới đáy biển. Điều này làm tôi cứ “thực thực, hư hư” đi tìm. Dứt việc ra, tôi trở về làng lụa mùa đông, chiều cuối năm. Âm thanh đầu tiên tôi nghe thấy là những tiếng dệt vải lách cách…
Chúng tôi đã đến gặp ông Phạm Khắc Hà- Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Như chạm vào nỗi lòng của người con luôn khắc khoải với nghề cha truyền, ông Hà bảo: “Lụa Hà Đông tới nay đã có trên nghìn năm tuổi. Ấy mới đúng là tên gốc có từ thời phong kiến. Còn Vạn Phúc chỉ là tên địa giới hành chính. Bởi thế mà năm 2005, làng nghề đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ sản phẩm lụa Vạn Phuc mang tên “lụa Hà Đông”.
Nghìn năm qua, lụa Hà Đông cũng trải qua nhiều năm tháng thăng trầm, bể dâu, nhưng người làng Vạn Phúc vẫn luôn miệt mài với nghề canh cửi... Theo ông Hà, cái “đận” thăng trầm gần đây nhất của làng lụa là những năm 2007 – 2009. Vì cuộc sống mưu sinh nên không ít gia đình dù hơn nửa đời người đã tâm huyết với nghề canh cửi, cũng quay lưng lại với nghề, chuyển sang nghề khác. Bởi giá nguyên liệu tơ năm 2009 đã tăng từ 450.000 đồng lên tới 1,1 triệu đồng/kg, khiến giá thành một chiếc áo lụa cao cấp cũng tăng từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trong khi, các chất liệu tơ pha nilon, đũi ngoài thị trường chỉ từ 60.000- 150.000 đồng/mét. Điều này đã khiến không ít người “bán rẻ” thương hiệu của làng nghề bằng việc trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng bán cho khách.
Tuy nhiên, trong lúc làng nghề rơi vào con sóng cuốn, những nghệ nhân dù ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn lặn lội đi tìm những mẫu hoa văn cổ của nghề. Các cụ đã vận động con cháu trong gia đình trồng dâu nuôi tằm và dệt thủ công, quyết lấy lại “tiếng thơm” nghìn năm của làng. Trong số đó, phải kể đến gia đình cố nghệ nhân Triệu Văn Mão…
Trung tâm lụa chất lượng cao |
Tìm lại nét xưa
“Làng lụa đang dần được khôi phục” – câu nói như được thốt ra từ sâu trong tâm khảm của ông Phạm Khắc Hà. Theo ông Hà, hiện Vạn Phúc có 246 máy dệt các loại, sản lượng hàng năm từ 2,5 đến 3 triệu mét lụa. Trong năm 2015, doanh thu từ nghề dệt của phường đạt khoảng 70 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Những mặt hàng tơ tằm như vân, sa, quế, sa-tanh hoa các loại, đủ màu sắc, mẫu mã giờ được sản xuất nhiều và không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong cả nước, mà còn xuất khẩu đi các nước Thái Lan, Lào, các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Hà cho biết, chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, làng nghề Vạn Phúc đã thiết kế được hơn 400 mẫu sản phẩm (trong khi cả quãng thời gian trở về trước cả làng mới có 10 mẫu). Có nhà có đến 20 máy dệt như nhà ông Đỗ Văn Hiếu, hay nhà nghệ nhân Đỗ Văn Chiến cũng có 15 máy dệt, nhà ông Phạm Khắc Hà 5 máy dệt… và có khoảng 15 khung dệt đang được các hộ gia đình trong làng tiếp tục dựng. Nhiều mẫu lụa quý hiếm như vân quế hồng diệp, lụa vân băng hoa, lụa vân long phượng mây bay, lụa vân song hạc... đã được sản xuất.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, chính quyền và nhân dân làng lụa Vạn Phúc tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh trong thương mại. Vì thế, đầu năm 2015, địa phương đã xây dựng Trung tâm lụa chất lượng cao. Các hộ gia đình tham gia bán hàng tại trung tâm phải là những hộ trực tiêp đang sản xuất, có lụa chính gốc của Vạn Phúc. Tất cả các sản phẩm từ lụa phải công khai giá, chất lượng sản phẩm, và được các cơ quan chức năng, Hiệp hội làng nghề thẩm định chất lượng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng kêu gọi mỗi người dân Vạn Phúc hãy là một hướng dẫn viên du lịch, mỗi nhà dân là một điểm du lịch văn minh, ấm áp tình cảm xóm làng…
Cuối chiều, làng lụa vẫn khá đông khách. Mấy km đường phố lụa đi qua, tôi đều nghe có tiếng thoi đưa rộn rã. Ông Hà cho hay, dự kiến năm 2016, Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc sẽ phối hợp với phòng kinh tế của phường mở lớp thiết kết thời trang riêng cho các con em trong làng. Hiện cả làng có khoảng 20 người đang ở độ tuổi còn trẻ, có trình độ cao đẳng, đại học nhưng vẫn rất tâm huyết với nghề cha truyền; và 8 nghệ nhân trong làng, dù đã cao tuổi, vẫn luôn canh cánh được truyền nghề cho các con, các cháu của mình. Câu chuyện của ông Hà khiến tôi có linh cảm về sự hồi sinh mạnh mẽ của làng nghề hơn nghìn năm tuổi này đến rất gần.