![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, sinh thái được áp dụng thành công trên thế giới và Việt Nam. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp áp dụng xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh tại TP Tam Kỳ và các đô thị khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo các đại biểu, vấn đề phát triển đô thị theo hướng bền vững tại tỉnh Quảng Nam mà cụ thể trước mắt là TP Tam Kỳ đã được lãnh đạo chính quyền tỉnh quan tâm, song, trên thực tế việc triển khai vẫn còn hạn chế, kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng chính quyền điện tử các cấp. Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp được cho là khả thi ở thời điểm hiện tại có thể tham khảo để áp dụng vào thí điểm xây dựng đô thị thông minh tại TP Tam Kỳ.
![]() |
TP Tam Kỳ hướng đến trở thành đô thị thông minh |
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có hơn 800 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh. Đi kèm với đó là các thách thức các đô thị phải đối mặt trong quá trình phát triển như chất lượng đô thị chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ phát triển dẫn đến những vấn đề cần phải giải quyết như: kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, ô nhiễm môi trường... Để giải quyết vấn đề này, một số thành phố như Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai các đề án như “Đà Nẵng – Thành phố môi trường”, “Đà Nẵng – Thành phố thông minh”
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết, để thực hiện thành công thành phố thông minh, Đà Nẵng đã ban hành Khu kiến trúc tổng thể xây dựng thành phố thông minh để định hương mô hình phù hợp với địa lý, hiện trạng CNTT và kinh tế xã hội của Đà Nẵng. Đặc biệt, chủ trương, phương pháp trong triển khai xây dựng thành phố thông minh Đà Nẵng là “đa đối tác – một nền tảng – một hạ tầng – một chính sách – đa ứng dụng” với công nghệ xanh, bền vững”.
Còn theo Phó Giám đốc Nghiên cứu Quỹ FMMC (Nhật Bản) - ông Tomoaki Tokusa, TP Tam Kỳ muốn xây dựng đô thị thông minh cần phải giải được đồng thời 2 câu hỏi: Đáp ứng nhu cầu an cư của người dân và thân thiện với môi trường. Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc thiết kế, xây dựng thành phố thông minh thông qua việc thu thập ý kiến của người dân, lắng nghe chuyên gia góp ý, từ đó, tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương để khởi động và triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời), các giải pháp sản xuất sạch hơn để giảm thiểu lượng khí thải CO2 ra môi trường….
Số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống và làm việc tại các đô thị. Tỷ lệ này dự báo sẽ tăng lên đến 70% vào năm 2050. Mật độ dân số tăng gây sức ép lớn về xử lý các vấn đề môi trường, thiếu nước sạch sinh hoạt, quản lý tài nguyên, quá tải hạ tầng giao thông….