Tiết kiệm điện ở làng nghề: Từ nhận thức đến hành động
Cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia. Các làng nghề đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề đã không ngừng chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí trong sản xuất, kinh doanh.
Cơ sở sản xuất gỗ ở Liên Hà tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cho sản xuất |
Tại xã Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) nơi đây được biết đến với hàng trăm cơ sở chế biến, sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất cho thị trường trong và ngoài nước. Để nâng cao sức cạnh tranh, cơ sở sản xuất ở đây đã từng bước đổi mới công nghệ sang đầu tư thiết bị, máy móc hiệu suất cao như máy cưa, bào… Có cơ sở đã nâng cao mái nhà xưởng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, để giảm thiểu sử dụng bóng đèn chiếu sáng trong nhà xưởng sản xuất.
Trong khi đó tại làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), nếu như thời gian trước, Bát Tràng sử dụng lò ếch, lò bát đàn đốt bằng củi, lò bầu đốt bằng than và củi để nung gốm, thì nay, hơn 90% hộ sản xuất gốm sứ tại đây chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến, giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Hà Văn Lâm - Trưởng ban đại diện nhân dân làng gốm Bát Tràng - cho biết, nhờ chuyển đổi công nghệ từ lò than truyền thống sang lò gas để nung gốm giúp các hộ sản xuất tăng lợi nhuận lên 2-3 lần so với công nghệ cũ.
Đối với làng nghề bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, làng đã xây dựng 3 mô hình tiết kiệm năng lượng gồm: Sử dụng lò than cải tiến; sử dụng nồi hơi và dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún... bằng điện, giúp bún ngon hơn và sản lượng tăng gấp 10 - 12 lần so với trước đây.
Ông Trịnh Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam - cho hay: Tiết kiệm năng lượng tại các làng nghề đã góp phần giảm áp lực cung ứng điện và nhiên liệu, giảm đầu tư nguồn điện quốc gia. Việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế cũng giảm chi phí sản phẩm.
Những năm qua, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng, áp dụng sản xuất sạch hơn, giúp khắc phục dần tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Trong đó, Bộ Công Thương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng và ban hành tiêu chí về sử dụng năng lượng hiệu quả trong một số ngành công nghiệp, quy định mức tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sản xuất sản phẩm.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp hữu ích giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hiện nay. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề thực hiện lộ trình phát triển bền vững thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể. |