Hoạt động điểm nhấn của sự kiện tại Làng Văn hóa là “Hương sắc núi rừng”. Trong đó giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “Ngôi nhà chung” chào năm mới 2022.
|
Nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc |
Được hình thành qua quá trình sinh hoạt, thay đổi và hoàn thiện dần theo tiến trình của xã hội, cho đến nay, thổ cẩm là điểm nhấn đặc sắc trong bản đồ văn hoá Việt và đồng thời, là di sản độc đáo, có giá trị của đồng bào các dân tộc. Cùng là sản phẩm thổ cẩm nhưng mỗi dân tộc lại có nét hoa văn khác nhau tạo đặc trưng riêng. Cùng là thổ cẩm nhưng ở mỗi vùng miền sẽ có đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc.
|
Những tinh hoa của thổ cẩm được đồng bào giới thiệu tại Làng Văn hóa |
|
Thổ cẩm là di sản độc đáo của đồng bào các dân tộc |
|
Mỗi dân tộc có những hoa văn trang trí khác nhau |
Với mỗi dân tộc, thổ cẩm có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng và cả nền văn hóa. Nhưng có thể khẳng định, mỗi kiểu trang phục là một công trình nghệ thuật tài hoa trong sử dụng màu sắc. Trong đó, thổ cẩm là chất liệu chính góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại trang phục. Qua hàng trăm năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn được đồng bào các dân tộc gìn giữ như báu vật thiêng liêng. Với đồng bào các dân tộc tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu. Ðây là nghề thủ công truyền thống được phát triển sớm và rộng khắp ở khắp các buôn, làng. Những tấm vải thổ cẩm đến nay vẫn được coi là lễ vật trong đám hỏi, đám cưới hay quà kỷ niệm trong những dịp trọng đại. Hoa văn thổ cẩm phần lớn là hình ảnh chim muông, hoa lá, hạt giống, hiện tượng thiên nhiên hay mô phỏng hoạt động con người, chính điều này đã dệt nên bức tranh đa sắc cho thổ cẩm của đồng bào nơi đây, đưa tinh hoa thổ cẩm nơi đây trở thành di sản văn hóa đáng tự hào.
|
Biểu diễn Cồng chiêng của dân tộc Mường tại Làng Văn hóa |
|
Âm thanh của núi rừng Tây Nguyên |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện này, du khách được thưởng thức “Hương sắc núi rừng” của đồng bào Tây Nguyên trong chương trình: “Tây Nguyên - Mùa hoa dã quỳ nở”. Tại đây du khách được hòa mình cùng những âm thanh sôi động, các bài hát về Tây Nguyên gắn với cảnh sắc, các loài hoa, con người Tây Nguyên. Chương trình là sự kết hợp hài hòa giữa các nghệ nhân, đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã thổi hồn qua ca từ, giai điệu những bài ca về quê hương, đất nước, sắc màu văn hóa... cảnh sắc Tây Nguyên.
|
Hát then đàn tính của đồng bào dân tộc Tày |
Bên cạnh đó, tại Làng Văn hóa du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, hát ay ray và diễn tấu đinh năm, loại hình kịch Rô băm… Cùng các trò chơi dân gian như: Ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, đánh yến, đánh đu, đi cầu kiều...
|
Mỗi dân tộc chọn những món ăn đặc trưng để giới thiệu tại sự kiện “Làng Văn hóa - Ngôi nhà chung của chúng ta” |
|
Mâm cơm sum họp ngày cuối năm |
Đến với Làng Văn hóa những ngày này, du khách có cơ hội thưởng thức “Mâm cơm sum họp ngày cuối năm”. Trong đó, mỗi một dân tộc lựa chọn những món ăn đặc trưng nhất của dân tộc mình góp cùng vào mâm cơm sum họp vừa để giới thiệu về ẩm thực vùng miền, vừa thấy được sắc màu văn hóa của các dân tộc hội tụ tại mâm cơm. Đây là dịp cộng đồng các dân tộc, đại biểu và du khách cùng quây quần bên mâm cơm, thể hiện sự vui vẻ ấm cúng, giao lưu và chào đón năm mới tại Làng Văn hóa - cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.