Tiếp tục giảm thuế VAT xuống 8% sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương, TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% là vô cùng cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang đối diện với khó khăn và chưa hoàn toàn hồi phục do tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt, giảm thuế VAT xuống 8% là chính sách đa mục tiêu, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giúp kích thích tiêu dùng, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực đối với lạm phát.
Ông đánh giá như thế nào trước việc Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024?.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) |
Theo đánh giá của tôi, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong 3 lần liên tiếp từ năm 2022 và 2023 là rất phù hợp bởi 3 nguyên nhân. Thứ nhất, phù hợp với thông lệ trên thế giới, bởi cả những quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển trong giai đoạn khó khăn của Covid-19 và hậu Covid-19 thì họ cũng đều thực hiện việc miễn, giảm thuế GTGT và gia hạn các lần miễn giảm thuế GTGT đối với khu vực doanh nghiệp, nếu như họ xét thấy tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thậm chí mức miễn, giảm thuế của các nước trên thế giới qua nghiên cứu thì còn lớn hơn của Việt Nam, thường miễn giảm từ 30-50% mức thuế suất hiện hành của thuế GTGT, trong khi của Việt Nam mới từ 10% xuống 8% thì như vậy mới chỉ giảm khoảng 20% trên mức thuế suất hiện hành.
Thứ hai, đây là chính sách tác động đa mục tiêu, bên cạnh việc hỗ trợ thúc đẩy cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ trong nước thì còn giúp ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giảm áp lực lạm phát, giúp hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực bên cạnh các chính sách miễn, giãn, hoãn các khoản phí, thuế cho doanh nghiệp, giúp tạo thêm các nguồn lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh những năm 2022, 2023 và đầu năm 2024 khi việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp cực kỳ khó khăn.
Thứ ba, giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% cũng là hỗ trợ cho những người lao động thu nhập thấp, những người nghèo vốn dĩ có cầu co giãn về hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu là không đổi khi giá cả tăng lên, chính việc giảm VAT giúp cho những người nghèo không bị áp lực tăng giá về các loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản. Nói tóm lại, đây là chính sách rất tốt, nên nếu như thời gian tới Quốc hội tiếp tục duy trì chính sách này thì tốt cho doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế.
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra kiến nghị, giảm thuế GTGT xuống 8% đối với tất cả các hàng hoá, dịch vụ, thay vì chỉ một số hàng hoá, dịch vụ như trước đây. Lý do đưa ra là nhiều doanh nghiệp, cơ quan chức năng khó xác định hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp thuộc mức thuế 8% hay 10%, điều này gây khó cho doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Tôi rất đồng tình với đề xuất của VCCI về việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ. Đề xuất này sẽ làm đơn giản hoá việc xác định hàng hoá, dịch vụ nào đối với một số doanh nghiệp có kinh doanh nhiều loại hàng hoá, dich vụ khác nhau. Đối với người dân, trong bối cảnh hiện nay có 2 yếu tố, một là giảm trực tiếp các hàng hoá, dịch vụ, khiến cho người dân được hưởng lợi, thứ hai là tạo được sự kỳ vọng về việc nhà nước hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tạo tâm lý tích cực cho rằng sự thấu hiểu, đồng hành của nhà nước với người dân, doanh nghiệp. Từ đó sẽ tạo dư địa, động lực để nền kinh tế khởi sắc hơn trong giai đoạn tới, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều việc làm và đạt doanh thu lợi nhuận tốt hơn. Quađó s ẽ tác động đến thu nhập và tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đối với tất cả các hàng hoá, dịch vụ trong thời điểm hiện nay sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước và áp lực hoàn thành chỉ tiêu về thu ngân sách của năm 2024. Việc mở rộng đối tượng hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế GTGT, hoặc thậm chí có ý kiến cho rằng giảm sâu hơn đến 50% như một số nước, hay phát tiền mặt như là một số quốc gia ở khu vực ASEAN đã làm, thì cần xem xét kỹ, nhất là với những mặt hàng có tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, cân nhắc thật kỹ những lợi ích và chi phí trong việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8%, xem giảm thu ngân sách nhà nước do tác động của việc giảm thuế có đáng để đánh đổi với lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp hay không.
Cần thêm những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến hết năm 2024 |
Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, 5 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường đã có sự cải thiện, cao hơn số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường. Đây có phải là tín hiệu doanh nghiệp đang hồi phục không, thưa ông?
5 tháng đầu năm 2024, bức tranh doanh nghiệp đã có sự phục hồi so với những tháng đầu năm. Điều này thể hiện rất rõ qua nhiều khía cạnh như: Thương mại, xuất nhập khẩu phục hồi tốt, trong đó doanh nghiệp sản xuất gắn với xuất khẩu đã quay trở lại thị trường tương đối nhiều. Bên cạnh đó là tín hiệu tốt từ chỉ số quản trị mua hàng (PMI), sản xuất công nghiệp, xuất khẩu,... đều cho thấy sự khởi sắc của khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, dịch vụ du lịch, nhất là du lịch quốc tế cũng đã thấy được sự khởi sắc mạnh mẽ. Điều này kéo theo các dịch vụ mua sắm, ăn uống, giải trí, đó là yếu tố tích cực, tạo đà phục hồi của doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm.
Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng chưa phải cao, hơn nữa trong các phân tích của chúng tôi cũng cho thấy, quy mô của doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi, các doanh nghiệp thành lập mới ngày càng nhỏ, do đó doanh nghiệp mới tham gia thị trường chưa thể bù đắp được các doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường hoặc phá sản, giải thể trong thời gian trước. Đây là điều đáng tiếc, bởi chúng ta đã phấn đấu cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp nhưng không thành công và Nghị quyết 66/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đặt mục tiêu, đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp lại càng trở nên thách thức.
Hơn nữa, mặc dù quay lại thị trường và có đơn hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nhiều tín dụng. Điều này thể hiện qua tăng trưởng tín dụng chưa cao, lợi nhuận của doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tất cả những yếu tố trên cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần những giải pháp căn cơ hơn để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, ít nhất là đến hết năm 2024, thậm chí có thể sang năm 2025 khi tình hình có dấu hiệu tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!