Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư
Ngày 26/3, tại Washington D.C., trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và đồng chủ trì Đối thoại Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự và phát biểu tại Tọa đàm về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tại Viện Brookings; gặp gỡ cố vấn và trợ lý của một số ủy ban chủ chốt của Quốc hội Hoa Kỳ; tiếp Phó Hiệu trưởng Đại học bang Arizona Jeffrey Goss và gặp trực tuyến Phó Chủ tịch tập đoàn NVIDIA Keith Strier.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona Jeffrey Goss. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư
Tham dự và phát biểu trong Tọa đàm về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ tại Viện Brookings, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài phát biểu quan trọng và trả lời nhiều câu hỏi của cử tọa.
Sự kiện có sự tham dự của Tiến sĩ Susanne Maloney, Phó Chủ tịch Viện Brookings; đại diện Chính quyền, Quốc hội, Ngoại giao đoàn, các viện nghiên cứu, trường đại học, cùng khoảng 500 đại biểu gồm chuyên gia, học giả, cộng đồng doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí tại Hoa Kỳ tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng mặc dù thế giới đang có nhiều chuyển biến sâu sắc, khó lường; châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động, là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Bên cạnh những điểm sáng đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương cũng tiềm ẩn nhiều thách thức an ninh cả truyền thống và phi truyền thống.
Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định, trong bối cảnh đó, Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục trường phái ngoại giao cây tre “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” để ứng phó với các thách thức và duy trì môi trường đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu phát triển vào năm 2030 và 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, ngoài sự nỗ lực, chủ động, tự lực, tự cường, Việt Nam cần môi trường đối ngoại hòa bình, ổn định và sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của các đối tác quan trọng, trong đó có Hoa Kỳ.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng nhất. Hai nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong quan hệ song phương kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1995 đến nay, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam năm 2023, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong thời gian tới, để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng cho rằng, hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy tin cậy chính trị, nhất là tôn trọng thể chế chính trị của nhau; tiếp tục coi hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là trọng tâm; thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo bao gồm hệ sinh thái bán dẫn; củng cố giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục và văn hoá và phối hợp chặt chẽ hơn tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ…
Trả lời câu hỏi của một số khách mời, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam vẫn tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó coi trọng quan hệ với các nước lớn. Cùng đó, bày tỏ Việt Nam mong muốn các nước lớn có quan hệ ổn định, lành mạnh và có thể hợp tác ứng phó với các thách thức chung như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Mở rộng hợp tác, triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ một cách hiệu quả, thực chất
Tiếp các cố vấn, trợ lý của Quốc hội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ cảm ơn các nghị sĩ lưỡng đảng ủng hộ Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó nổi bật là các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy.
Bộ trưởng đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ hợp tác song phương trên các lĩnh vực, bao gồm khắc phục hậu quả chiến tranh, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, giao lưu nhân dân...
Trong buổi tiếp và làm việc, người đứng đầu ngành Ngoại giao Việt Nam đánh giá cao hợp tác giữa Quốc hội hai nước thời gian qua và đề nghị hai bên phối hợp tăng cường quan hệ giữa các cơ quan của hai Quốc hội, góp phần triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Cảm ơn Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã thông tin về tình hình mọi mặt, chính sách đối ngoại của Việt Nam, Các cố vấn và trợ lý Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá cao việc Việt Nam luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bảo đảm quyền con người...
Các cố vấn và trợ lý Quốc hội Hoa Kỳ khẳng định sự ủng hộ của hai chính Đảng trong Quốc hội Mỹ đối với quan hệ song phương và khẳng định tiếp tục hợp tác với Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trên các lĩnh vực theo tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona Jeffrey Goss cùng các đại biểu. Ảnh: Bộ Ngoại giao |
Hợp tác khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là đột phá mới của quan hệ hai nước
Tại cuộc tiếp Phó Hiệu trưởng Đại học Arizona Jeffrey Goss, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh hợp tác về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số là đột phá mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Bộ trưởng hoan nghênh hợp tác giữa Đại học Arizona với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các đối tác Việt Nam khác trong việc hợp tác đào tạo nhân lực trong ngành bán dẫn, đề nghị Đại học Arizona tiếp tục góp phần hỗ trợ xây dựng thành công hệ sinh thái bán dẫn.
Chia sẻ Đại học Arizona có bề dày hợp tác đào tạo với các đối tác là các trường đại học của Việt Nam, ông Jeffrey Goss khẳng định trường sẽ tích cực hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực có thế mạnh, trong đó có hợp tác phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và sẽ tiếp tục là đối tác của các cơ quan, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn
Tại cuộc gặp trực tuyến Phó Chủ tịch tập đoàn NVIDIA Keith Strier, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới lãnh đạo NVIDIA, khẳng định hợp tác trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn là bước đột phá trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Việt Nam đã xây dựng Chiến lược AI quốc gia và sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành bán dẫn đến năm 2030 cũng như Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn năm 2030, định hướng đến năm 2045; mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty công nghệ hàng đầu như NDIVIA, phân bổ nguồn lực và thúc đẩy quan hệ đối tác với Việt Nam.
Phó Chủ tịch Keith Strier bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghệ cao, AI và bán dẫn.
Cùng với những cam kết của CEO Jensen Huang, hai bên sẽ tích cực hợp tác để biến Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai của NDIVIA”, nhất là về mặt công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Keith Strier cũng khẳng định NVIDIA sẽ thúc đẩy để sớm triển khai cụ thể các kế hoạch hợp tác với Việt Nam mà hai bên đã xây dựng.