Tiền Giang: Nông dân phấn khởi do giá chanh tăng cao
Giá chanh nằm ở mức cao
Hơn 1 tháng nay, giá chanh có sự biến động theo hướng tăng nên người trồng chanh vô cùng phấn khởi. Ông Nguyễn Tứ Lăng, nông dân trồng chanh ở ấp 4, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, những ngày gần đây thương lái liên tục điện thoại đặt hàng do sản lượng chanh tại các vườn địa phương này không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao. Theo đó, hiện các thương lái đến tận vườn thu mua chanh của nông dân với giá từ 19.000-21.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với tháng trước và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Hai, thương lái thu mua chanh ở xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo cho biết, nguyên nhân khiến giá chanh tăng cao trong mấy ngày qua là do thời tiết nắng nóng liên tục thời gian qua nên nhu cầu tiêu thụ chanh tươi để làm nước giải khát tăng mạnh, nhất là thị trường Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Mặt khác, năm nay sản lượng chanh của nhà vườn đã giảm ít nhiều do bị tác động thời tiết khô hạn từ nhiều tháng trước, chanh không ra hoa nhiều, trái ít. “Trong những ngày tới giá chanh có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh đến khi mưa nhiều vào tháng 6-7 tới do lượng chanh vụ nghịch có sản lượng không nhiều, trong khi nắng nóng tiếp tục kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ chanh tươi tiếp tục tăng cao”, bà Hoa dự đoán.
Theo nhiều nông dân trồng chanh ở Cái Bè, năng suất trồng chanh mỗi năm ở địa phương này đạt khoảng 10 tấn/ha, cá biệt những vườn chanh lâu năm, thâm canh tốt có thể đạt năng suất lên tới 15-20 tấn/ha. Do đó, với giá chanh hiện nay, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, điện nước, nhân công…, người trồng chanh có thể có lợi nhuận 120-150 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế từ cây chanh mang lại như hiện nay là khá cao so với các loại cây ăn trái khác. Điều này tạo ra động lực để bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới giúp gia tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là kỹ thuật xử lý cho chanh ra hoa, kết trái nghịch vụ.
Nâng cao hiệu quả nghề trồng chanh
Hiện nay, Cái Bè là địa phương có diện tích trồng chanh lớn nhất của tỉnh Tiền Giang với diện tích lên tới gần 1.000 ha, tập trung ở các xã Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông và An Cư. Bên cạnh đó, để tạo đầu ra ổn định cho cây chanh theo hướng sản xuất chất lượng, bền vững và tạo uy tín trong người tiêu dùng, huyện Cái Bè cũng đã thành lập HTX chuyên canh trồng chanh ở xã Tân Thanh với diện tích gần 200 ha.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè (Tiền Giang), chanh là một trong những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao ở các xã đầu nguồn huyện Cái Bè với lợi thế là không kén đất, có thể trồng xen hoặc tận dụng những diện tích đất khó trồng được các loại cây ăn trái khác. Đồng thời, nhờ nông dân quan tâm tuyển chọn những giống chanh mới cho năng suất, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để chủ động mùa vụ bán được giá nên chanh mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Tại huyện Cai Lậy, nông dân chủ yếu trồng chanh bông tím và chanh giấy với diện tích hơn 280 ha, sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 2.200 tấn, tập trung nhiều ở các xã Hiệp Đức, Hội Xuân, Phú An và Cẩm Sơn. Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ cây chanh, ngành Nông nghiệp huyện Cai Lậy có kế hoạch mở rộng diện tích, xây dựng những mô hình thâm canh chanh hiệu quả; đồng thời khuyến khích nông dân xen canh chanh trong vườn cây có múi chưa khép tán nhằm tăng hiệu quả kinh tế nông hộ.
Theo kết quả thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 1.500 ha chanh, trồng rải rác khắp các huyện trong tỉnh, chủ yếu tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành với sản lượng chanh cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 10.000 tấn trái. Thị trường tiêu thụ chanh chủ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc.