Tiền Giang: Một số nông dân có nguy cơ mất tiền tỷ
- Theo nhiều hộ dân cho biết, cách nay khoảng ba tháng, thương lái Trần Thị Ngọc Loan từ xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tìm đến xã Quơn Long đặt vấn đề thu mua trái thanh long giá cao để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ban đầu, bà Loan thu mua và trả tiền sòng phẳng, giá cao hơn thị trường từ 20%-30%, không “câu nệ” quy cách, chất lượng trái. Thấy bà Loan làm ăn có uy tín, một số thương lái ở Quơn Long tìm đến các vườn thanh long trong vùng thu mua hàng về giao cho bà Loan. Sau vài chuyến hàng được thanh toán theo “tiền trao cháo múc,” đột ngột vào một ngày cuối tuần, bà Loan lùng sục thu gom một số lượng lớn thanh long của các thương lái ở xã Quơn Long. Khi hàng đã đóng lên xe chuyển đi, bà Loan thông báo chưa rút được tiền vì cuối tuần ngân hàng không làm việc, hẹn đầu tuần sau sẽ quay lại thanh toán. Do tin tưởng nên các thương lái ở địa phương đã vui vẻ cho bà Loan khất nợ số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Sau đó bà Loan “bặt vô âm tín” không quay lại trả tiền. Quá bức xúc, nhiều thương lái ở xã Quơn Long cùng bị bà Loan lừa đã thuê xe ra tận xã Hàm Minh tìm bà Loan đòi nợ. Tại đây, bà Loan tiếp tục cho biết chưa lấy được tiền từ phía thương lái Trung Quốc nên chưa thể trả tiền và sau đó tìm cách tránh mặt. Không những không trả tiền, bà Loan còn hăm doạ, nếu các thương lái ở Quơn Long thưa kiện thì bà xù nợ luôn. Ông Huỳnh Hồng Ửng - nguyên Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long Quơn Long, huyện Chợ Gạo là người nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh thanh long nhưng cũng bị thương lái Bình Thuận lừa gạt trên 10 tấn trái, trị giá gần 230 triệu đồng. Ông Ửng cho biết, thương lái tỉnh Bình Thuận mua trái thanh long rất dễ, không chê khen như thương lái tại chỗ hoặc các tỉnh khác. Đến khi sự việc vỡ lở, các thương lái ở xã Quơn Long trình bày với Cơ quan công an huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Hiện nay, Công an huyện Chợ Gạo đã vào cuộc và đang gửi văn bản yêu cầu công an huyện Hàm Thuận Nam phối hợp điều tra để sớm giải quyết vụ việc. Điều đáng nói là, việc buôn bán thanh long giữa bà Loan và các thương lái ở xã Quơn Long chỉ là giao kèo miệng, không có hợp đồng mua bán mà chỉ có giấy giao nhận hàng sơ sài, nên cơ sở pháp lý để buộc thương lái ở Bình Thuận trả tiền là rất khó khăn. Sự việc các thương lái và nông dân ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo bị quỵt nợ là một bài học đáng giá đối với nông dân và thương lái ở địa phương khi thực hiện hợp đồng mua bán thanh long với các thương lái không rõ nguồn gốc ở phương xa đến. Qua sự việc đáng tiếc này, điều cần rút ra là nông dân cần thận trọng trong việc mua bán, không nên vì ham lợi nhuận, chạy theo cái lợi trước mắt mà để bị mắc lừa, nhằm bảo vệ thành quả lao động vất vả của mình làm ra. Về phía ngành chức năng cũng tăng cần cường hỗ trợ nông dân thực hiện mối liên kết “4 nhà”, không để nông dân tự bơi trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản như hiện nay mà dễ bị thương lái "lạ" lừa đảo./.
Theo VietNam+