Thứ sáu 29/11/2024 02:48

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch giám sát chính sách năng lượng giai đoạn 2016-2021

Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch, đề cương giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Đánh giá toàn diện việc thực hiện chính sách phát triển năng lượng

Sáng 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hộicho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, về quá trình chuẩn bị, thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 23/2022/UBTVQH15 ngày 04/8/2022 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023, số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải đã thành lập Tổ giúp việc. Đồng thời, chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổ giúp việc chủ động tổ chức thu thập, nghiên cứu thông tin, tài liệu và làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học và một số cơ quan liên quan.

Ngày 10/9/2022, Đoàn giám sát đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan có liên quan; đồng thời, họp Phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì và chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát.

Sau cuộc họp, Tổ giúp việc đã tiếp thu, hoàn chỉnh các tài liệu báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nêu các nội dung chính của Dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết, ông Tạ Đình Thi cho biết, mục đích của Đoàn giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

Đồng thời, kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có).

Rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng, trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Về đối tượng giám sát: Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phạm vi giám sát: Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên phạm vi cả nước; thời gian giám sát, từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2021, trong đó lưu ý đến những nội dung có tính chuyển tiếp, liên quan trong giai đoạn trước hoặc sau khung thời gian nêu trên.

"Hoạt động giám sát sẽ bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng. Tích cực, chủ động đổi mới cách thức, phương pháp triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, lựa chọn các vấn đề có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; kế thừa tối đa các kết quả hoạt động của các cơ quan có liên quan; đề cao trách nhiệm giải trình của Chính phủ" - ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Đồng thời, lựa chọn các hình thức giám sát phù hợp; xác định cụ thể Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương để thực hiện giám sát chuyên sâu bảo đảm mục đích yêu cầu giám sát. Phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo, phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém.

Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết phương thức hoạt động của Đoàn giám sát: Tổ chức các cuộc họp của Đoàn giám sát, làm việc với một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương thuộc đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo theo đề cương của Đoàn giám sát và gửi về Đoàn giám sát để xử lý, tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả giám sát.

Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương phối hợp với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề và gửi báo cáo kết quả theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát chủ yếu tổ chức làm việc với bộ ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức giám sát, khảo sát thực tế tại một số địa phương nếu thấy có vấn đề chưa rõ, cần tìm hiểu sâu để cung cấp thêm thông tin; tổ chức nghiên cứu, kế thừa các báo cáo của các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan (kết quả thực hiện của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ).

Đoàn giám sát dự kiến chia thành 03 đoàn công tác giám sát trực tiếp hoặc cử các Tổ khảo sát tại các địa phương có những nội dung nổi bật trong phát triển năng lượng; dự kiến lựa chọn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, mỗi miền từ 3- 5 tỉnh, thành phố do Trưởng đoàn giám sát quyết định căn cứ tình hình thực tế, thời gian.

Qua nghiên cứu, tổng hợp các vấn đề và các công trình, dự án liên quan trên địa bàn, dự kiến lựa chọn một số địa phương là nơi đặt các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện, tổng kho xăng dầu, nhà máy xử lý khí, nhà máy nhiên liệu sinh học hoặc có dự án năng lượng lớn.

Cụ thể như sau: Đoàn số 1, giám sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Hậu Giang (hoặc Bạc Liêu), Cà Mau; đoàn số 2, giám sát tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận; đoàn số 3, giám sát tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình (hoặc Hà Nam), Thanh Hóa, Lai Châu.

"Trước ngày 10/10/2023, Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề để gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)" - ông Tạ Đình Thi nêu

Đề xuất 6 nhóm vấn đề để tập trung giám sát

Về đề cương các báo cáo, ông Tạ Đình Thi cho hay, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch, đề cương giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021

Vì vậy, để bảo đảm đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phân tích bối cảnh, thách thức, cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển năng lượng ở Việt Nam, Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo.

Mỗi nội dung sẽ có các yêu cầu cụ thể, chi tiết đối với từng đối tượng giám sát, theo tất cả các phân ngành năng lượng. Cụ thể như sau: Thứ nhất, về cung cầu và an ninh năng lượng: Khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ hai, về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: Tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện, Quy hoạch than, Quy hoạch dầu khí.

Thứ ba, về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính: Tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Thứ tư, về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng: Tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Thứ năm, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng: Mô hình tổ chức quản lý nhà nước; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tình hình đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Thứ sáu, về một số nội dung khác: Hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngoài Đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, Đoàn giám sát đã chỉ đạo Tổ giúp việc xây dựng đề cương báo cáo kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố; đề cương báo cáo của các đối tượng chịu sự giám sát căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng: Chính phủ; các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Ngân hàng Nhà nước; Ủy ban Quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; một số Tập đoàn, Tổng công ty lớn; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Quỳnh Nga - Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quốc hội

Tin cùng chuyên mục

Trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng đầu năm 2025

Chủ tịch Quốc hội trao quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Chủ tịch nước Lương Cường và Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni hội kiến

Bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao với ông Nguyễn Quốc Đoàn, ông Lê Tiến

Ông Nguyễn Văn Thắng giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính

Ông Trần Hồng Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Bí thư tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng giữ chức Tổng thư ký Quốc hội

Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

TỔNG THUẬT: Toạ đàm: “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu”

Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án hình sự

Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đến Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Trần Quốc Vượng

Tháng 11, Bộ Quốc phòng huy động hàng chục ngàn lượt người hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí

Thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Phần Lan tại Việt Nam

Thủ tướng yêu cầu giám sát chặt chẽ việc công bố lãi suất của các tổ chức tín dụng

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Thủ hiến bang Hessen Boris Rhein

Nhiều doanh nghiệp Bulgaria muốn đầu tư vào các ngành công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh