Thứ năm 19/12/2024 22:01

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại

49 năm sau ngày thống nhất đất nước với hơn 30 năm đổi mới và phát triển, ngành thương mại TP. Hồ Chí Minh đã “lột xác” theo hướng văn minh, hiện đại.

Những khó khăn ban đầu…

Theo tài liệu của TP. Hồ Chí Minh qua các thời kỳ ghi chép lại, những năm đầu sau giải phóng, Sài Gòn xưa đã trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn. Trong ký ức của nhiều người dân Sài Gòn sống từ sau giải phóng đến giờ, vẫn còn in đậm tình hình khó khăn ngày đó khi kinh tế sa sút, dự trữ nguyên liệu cạn kiệt, sản xuất - dịch vụ xuống dốc; giá thị trường tăng liên tục và người dân phải ăn độn bo bo, khoai, sắn… Để vượt qua thách thức, Đảng bộ thành phố lúc bấy giờ đã vận dụng, thực hiện sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, bám sát thực tiễn, tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm nhiều cơ chế, chính sách mới để thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường.

Nhờ kiên trì bám sát thực tiễn, năng động, dám làm, dám chịu trách nhiệm và được trung ương hỗ trợ, thành phố đã vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, hình thành quan hệ sản xuất mới, ổn định và có những bứt phá thần tốc. Từ mức tăng trưởng 2,18%/ năm của giai đoạn 1976 - 1980, tốc độ tăng trưởng bình quân của TP. Hồ Chí Minh thời kỳ 1980 - 1985 đạt 8,17%/năm; thu ngân sách địa phương năm 1985 gấp 43 lần năm 1980.

Đặc biệt, theo giới chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2008 - 2010, trong khi Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, lúc đó, TP. Hồ Chí Minh chính là “đầu tàu” kéo cả nước từng bước vượt qua khó khăn, duy trì lại tốc độ tăng trưởng kinh tế. Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố tăng bình quân 6,41%; đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất cả nước; đồng thời là trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn nhất cả nước khi chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.

Thương mại TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Ảnh: Ánh Dương

Nhận định về sự bứt phá thần tốc, sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh kể từ sau giải phóng tới nay, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết, kinh tế TP. Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt bậc trong gần 50 năm qua. Từ diện tích, các công trình hạ tầng giao thông đều có sự phát triển, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã “dám nghĩ, dám làm”, dứt khoát với cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp để tiến hành đổi mới, đưa thành phố bước vào thời kỳ lịch sử mới. “So với những ngày đầu sau giải phóng, diện mạo TP. Hồ Chí Minh bây giờ ngày càng hiện đại, nhiều khu đô thị mới, trung tâm thương mại bán lẻ cũng mọc lên nhiều hơn. TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung thương mại lớn của cả nước. Ngành bán lẻ TP. Hồ Chí Minh đã có sự phát triển vượt trội trong cả nước. Từ các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh đều có sự phát triển vượt bậc. Các chợ truyền thống đang có xu hướng chuyển dịch sang chợ hiện đại” - TS. Đinh Thế Hiển nhận xét.

Đến đầu tàu về kinh tế, thương mại

Đầu những năm 2000. TP. Hồ Chí Minh quyết định xây dựng 3 chợ đầu mối: Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức để di dời 10 chợ đầu mối trong nội thành (đã xuống cấp nặng nề và nằm trong diện giải tỏa để xây dựng đại lộ Đông Tây). Đây được xem là quyết định đầy mạo hiểm và táo bạo. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ và sự chung sức, chung lòng với người dân, thể hiện qua hàng loạt cơ chế, chính sách tạo nền tảng cho thương nhân “bén rễ” ở các điểm kinh doanh mới, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành việc di dời chợ, trở thành địa phương duy nhất của cả nước thành công trong việc xây dựng và khai thác hiệu quả các chợ đầu mối. Từ đó đến nay, thành phố tiếp tục di dời, giải tỏa hàng trăm chợ lòng lề đường, cải tạo và xây dựng các chợ theo hướng văn minh, hiện đại.

Cùng với đó, các siêu thị, trung tâm thương mại lần lượt ra đời, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ của hệ thống các cửa hàng HTX thương mại sang mô hình siêu thị hiện đại và đa dạng hàng hóa. Đặc biệt, tháng 1/2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO đã thổi một luồng gió mới cho ngành thương mại thành phố cũng như nhiều lĩnh vực dịch vụ khác. Thực hiện các cam kết từ WTO, Việt Nam đã mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực phân phối. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy nâng cao năng lực, kinh nghiệm tổ chức, quản lý của doanh nghiệp trong nước nói riêng và kênh phân phối hiện đại của thành phố nói chung.

Không chỉ phát triển thương mại nội địa, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố cũng ngày một tăng lên. Nếu như năm 1990, kim ngạch xuất khẩu của thành phố chỉ đạt 850.000 USD, đến năm 1995 đạt gần 2,6 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt trên 100 tỷ USD. Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt 11,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,7 tỷ USD) là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Với kết quả này, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên chục tỷ USD trong quý I. Hàng hóa của TP. Hồ Chí Minh đã vươn đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chất lượng hàng hóa đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các đối tác. Ngay cả trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, các doanh nghiệp đã tận dụng được nhiều tiềm năng xuất khẩu và chuyển hóa những tiềm năng ấy thành thu nhập cho dân cư và nền kinh tế.

Trong giai đoạn tới, để thành phố tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Cùng với sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân thành phố, ngày 24/6/2023 Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Việc Nghị quyết 98 ra đời được nhiều người dân thành phố kỳ vọng có thể thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển thành trung tâm bán buôn, trung tâm phân phối và tiêu thụ hàng hóa cả nước; trung tâm logistics của cả nước và là trung tâm trung chuyển hàng hóa, đầu mối xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam.

Có thể nói, 49 năm một chặng đường chưa dài, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tìm tòi, giải quyết, đột phá, song TP. Hồ Chí Minh đã vững vàng phát huy lợi thế vốn có, khai thác tốt tiềm năng, phấn đấu xây dựng thành phố thành một trung tâm thương mại - dịch vụ lớn nhất nước.
Hà Linh
Bài viết cùng chủ đề: trung tâm thương mại

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo ‘nóng’ về tinh gọn bộ máy

Sở Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024

Thương mại Sơn La tiếp tục bứt phá trong năm 2024

Tuyên Quang: Đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh hàng hoá dịp cuối năm

Công ty Thủy điện Sông Bung chúc mừng 80 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Thanh Hóa: Kỷ niệm 220 năm đô thị tỉnh lỵ, 30 năm thành lập TP. Thanh Hóa

Năm 2025, Tây Ninh thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo

Cần Thơ: Giao 17 tỷ đồng đầu tư công trung hạn cho bệnh viện tim mạch

Nhận diện các thương hiệu OCOP tại Thanh Hóa: Bài 3- Những bất cập trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP

Gia Lai tiếp nhận tài trợ 60 căn nhà tình thương trị giá hơn 4 tỷ đồng

Sở Công Thương Thanh Hóa phối hợp triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững

Cần Thơ: 5.000 hoa đăng thắp sáng tại ngày hội du lịch quận Ninh Kiều

Quảng Nam: Giao lưu 'Vang mãi bản hùng ca quyết thắng'

Năm 2025, Đồng Nai ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số

Thái Bình: Chỉ số DDCI năm 2024 tiếp tục được cải thiện so với năm 2023

Đà Nẵng: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cao nhất 700 triệu đồng

Quảng Bình: Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm

Ông Bùi Đức Hinh được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Bài 2 - Nâng sao đếm số, nhiều OCOP đứng trước nguy cơ ''chết yểu''

Thanh Hóa: Nhiều kết quả ấn tượng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao