Kể câu chuyện trước ngày 23-8 từng đi khắp các siêu thị, đại lý phân phối lớn trên địa bàn quận 6 và Bình Thạnh, TP HCM tìm mua 1 thùng phở ăn liền Vifon và 1 thùng miến Phú Hương để tiếp tế cho người thân đang "3 tại chỗ" ở đơn vị công tác nhưng không có hàng, anh Đinh Quang Huy (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết tới nay, 2 mặt hàng này vẫn "cháy hàng", không dễ mua.
Sản phẩm giá rẻ "cháy" hàng
Chị Nguyễn Thị Hồng Diệu (ngụ quận 8, TP HCM) mới mua được bún tươi (sấy khô), nui và một số loại bột làm bánh sau 1 tuần đặt hàng trên nhóm "Tôi là dân quận 8". "Tôi đặt hàng trên website của 1 chuỗi cửa hàng nhưng bị hủy đơn, phải đặt mua trên nhóm dân cư với giá cao gấp rưỡi giá bán ở siêu thị mà cũng không có hàng" - chị Hồng Diệu nói.
Các doanh nghiệp (DN) phân phối tại TP HCM thừa nhận một số mặt hàng thực phẩm chế biến có hiện tượng thiếu hàng trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, các dòng mì gói giá rẻ dưới 100.000 đồng/thùng luôn hút hàng. Với các loại miến, bún gạo, phở…, nhà sản xuất chủ động giảm sản lượng để ưu tiên mặt hàng mì gói nên cũng thiếu hàng tại một số thời điểm nhất định. Đồ hộp không còn đa dạng chủng loại như trước, lạp xưởng gần như không có hàng; các mặt hàng đông lạnh thì gặp khó khăn trong vận chuyển từ kho của nhà sản xuất đến từng điểm bán.
"Trong từng nhóm hàng sẽ hụt một vài sản phẩm thuộc phân khúc bình dân do lượng tiêu thụ tăng đột biến nhưng về tổng thể, người tiêu dùng vẫn còn những lựa chọn khác để thay thế. Đơn cử, dòng mì gói giá rẻ mỗi ngày chúng tôi nhập khoảng 15.000 thùng nhưng luôn không đủ cung cấp cho nhu cầu của các tổ chức, cá nhân mua số lượng lớn để làm từ thiện trong khi nhà sản xuất không thể tăng thêm sản lượng trong điều kiện "3 tại chỗ". Vừa rồi, hệ thống phải nhập sản phẩm tương đương từ nhà sản xuất phía Bắc để đưa vào túi an sinh theo đặt hàng của thành phố" - đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) nêu thực trạng.
Thừa nhận có tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng thực phẩm chế biến trong thời gian qua, các DN lương thực - thực phẩm lớn tại thành phố cho rằng đó là thực trạng khó tránh khỏi bởi DN gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức sản xuất lẫn nhập nguyên liệu, vận chuyển bán hàng.
Lo thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu
Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, khó khăn của các DN không nằm ở 1 khâu, 1 bộ phận hay nhà máy nào mà mang tính dây chuyền. TP HCM và 19 tỉnh, thành miền Đông, miền Tây Nam Bộ cùng thực hiện Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 16 tăng cường, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm từ các tỉnh đưa về TP HCM trục trặc nên năng suất thu hoạch giảm đáng kể; khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa ách tắc… Bản thân nhà sản xuất đầu cuối cũng giảm năng lực sản xuất ít nhất 50% do hoạt động trong điều kiện "3 tại chỗ". "DN nào sản xuất được đều nỗ lực chạy hết công suất, bố trí tăng ca và cố gắng giữ ổn định giá" - bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP, nói.
Hiện nhiều DN buộc cắt giảm danh mục hàng hóa, tập trung sản xuất các mặt hàng chủ lực, có doanh thu tốt để duy trì hoạt động trong điều kiện đặc biệt hiện tại. Một số DN cắt giảm từ trên 100 mã hàng còn hơn 10 mã hàng để tối ưu hóa năng suất, sản lượng cũng như đáp ứng đơn đặt hàng từ các nhà phân phối.
Tại Công ty Vifon, bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết dù sản lượng các mặt hàng chủ lực tăng gấp nhiều lần bình thường nhưng sản lượng toàn công ty đã giảm 50%. "Tuần trước, công ty bắt đầu triển khai thêm phương án "một cung đường, 2 điểm đến", khả năng sẽ cải thiện dần năng lực sản xuất" - bà Phương Mai bộc bạch.
Theo bà Lý Kim Chi, hiện các DN đang xây dựng kịch bản phục hồi dần năng lực sản xuất trong điều kiện TP HCM nới lỏng các quy định giãn cách xã hội trong tương lai. "Để tăng dần tỉ lệ sản xuất thì phải ngưng "3 tại chỗ", điều kiện quyết định là tất cả công nhân - lao động phải tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh đó, phải bảo đảm nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Hiện nhiều DN còn nợ đơn hàng, khi sản xuất ổn định sẽ phải gấp rút trả nợ. Nếu từ bây giờ, các tỉnh, thành không có định hướng, khuyến khích nông dân xuống giống nuôi trồng cho vụ mới thì tới đây sẽ không đủ nguyên liệu đầu vào cho DN sản xuất, giá cả sẽ đội lên rất cao" - bà Chi nhìn nhận và đề xuất có sự phối hợp đồng bộ giữa bộ ngành, địa phương, DN và HTX sản xuất nông nghiệp, nông dân trong việc giữ nhịp cũng như chuẩn bị cho việc phục hồi sản xuất trong thời gian tới.
Cấp thêm giấy đi đường cho doanh nghiệp thực phẩm
Trước thực tế nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm chế biến gia tăng, Sở Công Thương TP HCM đã làm việc với hệ thống phân phối. "Hiện các nhà cung cấp thực phẩm chế biến chưa được ưu tiên trong hoạt động cung ứng hàng hóa, cụ thể là không nằm trong đối tượng được cấp giấy đi đường.
Chúng tôi đã nhanh chóng cùng các hệ thống phân phối rà soát để có tính toán, trước mắt, các nhà cung cấp lớn, những đơn vị có hệ thống kho trung chuyển với hàng hóa dự trữ số lượng lớn, có đội ngũ xe chuyên chở nhiều sẽ được ưu tiên" - ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết.
Cơ quan quản lý ngành Công Thương đã khẩn trương cấp giấy đi đường cho một số đơn vị để tăng cường nguồn cung thực phẩm chế biến và tính toán giải pháp làm việc với cơ quan công an để bổ sung giấy đi đường cho các DN lĩnh vực này nếu nhu cầu thị trường đối với nhóm hàng này tiếp tục tăng.